An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Sẽ có nhiều giải pháp quan trọng trong Chương trình giảm nghèo trong thời gian tiếp theo
10:25 AM 21/05/2021
(LĐXH) - Những kết quả đạt được trong chương trình mục tiêu nghèo giai đoạn 2016 – 2020 và một số giải pháp được đặt ra trong giảm nghèo 5 năm tới 2021-2025, hộ nghèo sẽ phải giảm bớt để tạo đột phá trong giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc
Những kết quả ấn tượng về giảm nghèo
Nhìn nhận về những kết quả giảm nghèo trong 5 năm vừa qua (2016 - 2020), ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Các mục tiêu giảm nghèo do Quốc hội và Chính phủ đề ra đến nay cơ bản đều đã hoàn thành. Tỉ lệ giảm nghèo chung cả nước, tỉ lệ giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỉ lệ giảm hộ nghèo người dân tộc đều đạt. Ví dụ như tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ xuống dưới 26%. Năm 2016, tỉ lệ này trên 40%, có những địa bàn từ 50 - 70%.
Đến thời điểm này, địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo (thuộc Chương trình 30a), các xã đặc biệt khó khăn; thôn, ấp đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình điện, đường, trường, trạm và các hạng mục thiết yếu phục vụ dân sinh đã được ưu tiên đầu tư. 
Với các Chương trình 30a, Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới thì ở địa bàn những huyện nghèo, vùng miền núi, dân tộc như khu vực Tây Bắc có những công trình trọng điểm phục vụ tuyến xã, tuyến huyện được đầu tư, nhiều nơi tốt hơn vùng đồng bằng.
Chính sách hỗ trợ người nghèo đã khá đầy đủ, toàn diện, từ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch, thông tin, dạy nghề, việc làm... Hộ nghèo được vay đến 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra còn có những chính sách, cơ chế, mô hình, nguồn lực để hỗ trợ những người nghèo có khả năng lao động, hướng đến các mô hình sinh kế, mô hình sản xuất như chăn nuôi và trồng trọt.
Dựa trên thực tế, từ sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước nên dẫn đến một bộ phận người nghèo, thậm chí cả chính quyền địa phương có tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách, không muốn vươn lên thoát nghèo, nhất là hỗ trợ không có điều kiện, nghiễm nhiên coi đó là khoản miễn phí. Từ hạn chế này, tới đây việc thiết kế chính sách sẽ phải tính toán việc hỗ trợ làm sao để người nghèo chủ động thoát nghèo, nỗ lực vươn lên.
Cắt giảm việc hỗ trợ tiền trực tiếp, giảm "cho không"
Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với chuẩn nghèo mới (tháng 1/2021) thì cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo (gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người). Trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 10,83% và 5,77% là hộ cận nghèo, bao gồm cả 2% hộ nghèo "kinh niên" là đối tượng bảo trợ xã hội (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em...) - đây là nhóm khó có khả năng thoát nghèo.
Điểm đột phá mới trong giai đoạn tới (2021 – 2025) là tập trung đầu tư con người, đặc biệt là người nghèo. Đây là mục tiêu, chiến lược. Chúng ta phải phân loại người nghèo, làm rõ nguyên nhân nghèo. Bên cạnh đó là xác định nhóm hộ nghèo có khả năng lao động. Thậm chí phân loại trong nhóm này thành các nhóm nghèo do lười lao động, nghèo do vướng tệ nạn xã hội, nghèo do thiếu sự hỗ trợ (thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn...). Việc phân loại này sẽ đưa ra được các biện pháp tác động phù hợp. Giảm nghèo gắn với đối tượng cụ thể, đặc điểm hộ gia đình cụ thể thì mới áp dụng các biện pháp thoát nghèo bền vững.
Chính vì vậy, sắp tới việc chuẩn hóa sẽ có trong văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình rà soát hộ nghèo, xác định bộ công cụ và kế hoạch rà soát. Trong đó, trọng tâm chính sách là hỗ trợ có điều kiện. Nghĩa là tất cả các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo không được nhận chính sách "cho không" mà phải có tham gia đóng góp. 
Bên cạnh đó, mục tiêu chương trình quốc gia đi vào hỗ trợ người nghèo có sinh kế, có việc làm, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... Có thu nhập mới nâng cao được chất lượng cuộc sống. Đồng thời, phải hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (đường giao thông, điện nước, nhà ở, giáo dục, y tế...). Việc đầu tư dịch vụ công phải có lộ trình. Thêm nữa, những vùng đã được đầu tư tương đối thì chuyển sang ưu tiên các vùng người dân không tiếp cận dịch vụ cơ bản. Công tác giảm nghèo phải làm cuốn chiếu, thực sự đem đến sự thay đổi, thay da đổi thịt chứ không cào bằng, bình quân. Tức là sẽ tính đến hệ số khó khăn để tính suất đầu tư.
Sẽ có nhiều giải pháp mang tính đột phá trong giai đoạn tiếp theo
Những giải pháp được đặt ra trong giảm nghèo 5 năm tới
Một số giải pháp trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025:
Nhà nước sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Có chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông, điện lưới để kết nối với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển.
Ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ điều kiện sinh kế tạo việc làm tại chỗ gắn với chuỗi giá trị.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với vai trò "bà đỡ" cho người nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc; có chính sách khuyến khích doanh nhân hỗ trợ người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực…
Thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính gắn với kết quả đầu ra (Trung ương phân bổ vốn theo tiêu chí, giải ngân theo kết quả đầu ra, theo tiến độ đối ứng của ngân sách địa phương); đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương không giao chi tiết, cho phép địa phương chủ động xây dựng đề án bố trí vốn thực hiện trên địa bàn; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình giảm nghèo...
Lê Minh.
TAG:
Tin khác
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
Hải Hậu triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Nam Định nỗ lực giảm nghèo bền vững
Ninh Bình: Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống mua bán người
Quảng Ninh tích cực vận động nguồn lực xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội từ 25/12