Tin quốc tế
Trang chủ / Thời sự / Tin quốc tế
Công nghệ tái chế tã bỉm, băng vệ sinh bẩn ở Trung Quốc
07:25 AM 17/03/2025
(LĐXH) - Phóng sự điều tra gây sốc của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vừa phanh phui một đường dây sản xuất tã bỉm, băng vệ sinh bẩn quy mô lớn tại tỉnh Sơn Đông.

Nhà máy này bị cáo buộc thu gom phế phẩm, hàng lỗi của các nhãn hiệu tã bỉm, băng vệ sinh nổi tiếng, sau đó tái chế thành băng vệ sinh và bán ra thị trường, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng.

Phóng sự "Điều tra Tài chính" của CCTV chỉ ra rằng, Công ty TNHH sản phẩm giấy Lương Sơn Hi Hi, tọa lạc tại huyện Lương Sơn, thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, dù mang danh nghĩa công ty sản phẩm giấy, nhưng thực chất hoạt động chính là thu gom và tái chế phế liệu. Điều đáng nói là công ty này thu mua hàng chục nghìn tấn phế phẩm, hàng lỗi từ các nhà sản xuất tã bỉm, băng vệ sinh với giá rẻ mạt, chỉ từ 260 - 1400 nhân dân tệ/tấn (tương đương từ 910 nghìn đồng - 4,9 triệu đồng), những sản phẩm lẽ ra phải được tiêu hủy theo quy định.

Hàng nghìn tấn phế phẩm, hàng lỗi từ các nhà sản xuất tã bỉm, băng vệ sinh được tái chế lại. (Ảnh: CCTV)

Thay vì tiêu hủy, nhà máy Lương Sơn Hi Hi lại "phù phép" biến rác thải thành tiền. Công nhân tại đây sẽ lựa chọn những sản phẩm "thứ cấp" còn nguyên hình dạng, không bị rách nát hay dính bẩn quá nhiều. Sau đó, chúng được tân trang lại bao bì, đóng gói như mới và bán ra thị trường với giá rẻ, nhắm vào phân khúc người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Đáng sợ hơn, phần rác thải còn lại sau quá trình tuyển chọn hàng thứ cấp cũng không bị bỏ đi. Chúng tiếp tục được nghiền nát, tách thành bột rồi trộn với các nguyên liệu thô khác, tái sử dụng trong sản xuất các sản phẩm vệ sinh dùng một lần khác. Phần rác thải cuối cùng, không thể tái chế được nữa, mới bị đem đi tiêu hủy.

Công nhân trực tiếp dùng tay trần để phân loại, tái chế và đóng gói sản phẩm: (Ảnh: CCTV)

Phóng sự của CCTV cho thấy cảnh tượng hãi hùng bên trong nhà máy Lương Sơn Hi Hi. Hàng trăm tấn hàng hóa, bao gồm tã giấy, băng vệ sinh, vứt bừa bãi trên sàn nhà bẩn thỉu, mốc meo. Công nhân trực tiếp dùng tay trần để phân loại, tái chế và đóng gói sản phẩm, hoàn toàn không có bất kỳ biện pháp vệ sinh, khử trùng nào. Đáng chú ý, vỏ bao bì của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Sofy, Libera, Organic Cotton, Miffy, tã bỉm Babycare… được tìm thấy tại nhà máy này, cho thấy quy mô tái chế hàng nhái, hàng kém chất lượng là vô cùng lớn.

Ngay sau khi phóng sự của CCTV được phát sóng, Sofy, một trong những nhãn hiệu bị điểm tên, đã lập tức ra thông cáo phản hồi. Sofy khẳng định bao bì sản phẩm xuất hiện trong phóng sự đã không còn được hãng sử dụng từ năm 2022, công ty không hề có bất kỳ hợp tác kinh doanh nào với nhà máy Lương Sơn Hi Hi. Sofy cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để điều tra và xử lý nghiêm vụ việc, đồng thời khẳng định 100% phế phẩm trong quá trình sản xuất của hãng đều được xử lý khép kín, đảm bảo không có sản phẩm lỗi nào lọt ra thị trường.

Hình ảnh tã giấy, băng vệ sinh, vứt bừa bãi trên sàn nhà bẩn thỉu, mốc meo. (Ảnh: CCTV)
Tuy nhiên, phản hồi của Sofy vẫn chưa đủ sức xoa dịu sự phẫn nộ và lo lắng của người tiêu dùng. Vụ việc tã bỉm, băng vệ sinh bẩn không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhãn hiệu liên quan, cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng quản lý lỏng lẻo trong ngành sản xuất và phân phối sản phẩm vệ sinh dùng một lần tại Trung Quốc. Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, yêu cầu các nhà sản xuất phải minh bạch, chứng minh chất lượng sản phẩm của mình.

Lê Nguyên
TAG: tái chế tã bỉm băng vệ sinh bẩn tái chế băng vệ sinh
Tin khác
Dự án nâng cấp quốc lộ 1A qua Hà Nội: 15 năm vẫn dang dở, nhếch nhác
Sắp xếp tổ chức bộ máy: Xã rộng ra, việc nhiều lên, đội ngũ cán bộ cần tinh lọc
Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng trình đề án sắp sáp nhập huyện, xã theo tiêu chuẩn cũ
ChatGPT bắt bệnh như 'thần y', phát hiện cô gái bị ung thư máu
Bỏ 50 năm sưu tập đồ cổ, người đàn ông sốc nặng vì chỉ có một món giá trị thấp là thật
Phân tích khoản lỗ 77,6 tỷ USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ
Trẻ em 'đua xe điện', người lớn phóng xe máy trên phố đi bộ Trần Nhân Tông
Nắm thời thế, công ty Hà Lan tiên phong xây dựng trạm sạc nhanh năng lượng xanh
Chủ tịch nước Lương Cường dự kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Phước