Quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay như thế nào?
(LĐXH)- Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang được quy định tại Luật Việc làm năm 2013. Hiện nay, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Vì thế, trong năm 2025, quy định về bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa có gì thay đổi và được tiếp tục thực hiện theo chính sách hiện hành.
Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, Luật Việc làm quy định được tính trên cơ sở tiền lương của người lao động. Năm 2025, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và do ngân sách Trung ương bảo đảm.
Tư vấn chính sách cho người lao động tại Trung tâm DVVL Hà Nội

Về chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Mỗi chế độ lại yêu cầu những điều kiện hưởng nhất định.
Hiện tại, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động sẽ bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm, để có thể được nhận trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
Trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
- Đã nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm đúng hạn (trong 03 tháng từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động).
- Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm nhưng vẫn chưa tìm được việc làm mới.
Cách xác định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người đó. Cụ thể:
- Cứ đóng đủ 12 đến 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
- Cứ đóng đủ thêm 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp
- Tổng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa: Không quá 12 tháng.
Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng mà có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó sẽ được bảo lưu để làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng hưởng.
Ví dụ 1: Anh A có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 50 tháng thì khi nghỉ việc, anh A sẽ được hưởng 4 tháng trợ cấp thất nghiệp (tương đương 48 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và được bảo lưu 2 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng sau.
Ví dụ 2: Chị B đóng bảo hiểm thất nghiệp được 52 tháng với mức lương bình quân 06 tháng cuối trước khi nghỉ việc là 05 triệu đồng/tháng.
Thời gian được hưởng bảo hiểm thất nghiệp của chị B được xác định như sau:
- 36 tháng đầu tiên, chị B được hưởng 03 tháng trợ cấp.
- 12 tháng tiếp theo, chị B được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp.
- 4 tháng dư còn lại, chị B được bảo lưu để cộng dồn cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo.
Như vậy, chị B sẽ được hưởng 04 tháng trợ cấp thất nghiệp và mức hưởng mỗi tháng như sau:
Tiền trợ cấp thất nghiệp/tháng = 5 triệu đồng x 60% = 3 triệu đồng/tháng.
Theo quy định hiện hành, tiền trợ cấp thất nghiệp được chi trả hằng tháng cho người lao động. Mỗi tháng, người lao động thất nghiệp phải đi thông báo tình hình tìm kiếm việc làm mới được nhận tiền trợ cấp.
Hiện nay, ngoài trực tiếp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các Trung tâm dịch vụ việc làm, ví dụ tại Hà Nội là Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, thì người lao động có thể làm thủ tục qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Lãnh đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm khuyến khích người lao động nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp qua Cổng dịch vụ công, bởi thủ tục hiện nay được tối giản, thuận tiện, thực hiện dễ dàng, nhanh nhất mà không cần đến tận nơi./.
Hồng Hà
TAG: