Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Ninh nỗ lực phòng, chống tội phạm mua bán người
03:08 PM 06/09/2024
(LĐXH)-Từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có diễn biến phức tạp. Tại Quảng Ninh, các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều giải pháp thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác phòng, chống mua bán người, nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người ra khỏi đời sống xã hội.
Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cảng biển - nơi có nhiều hoạt động buôn bán, thương mại, dịch vụ, du lịch, thăm thân. Điều kiện này chính là điểm thuận lợi khiến tội phạm xã hội lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người.
Hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các đối tượng ở tỉnh ngoài cấu kết với một số đối tượng khu vực biên giới, lợi dụng đường biên giới trên biển và đất liền tiếp giáp để làm địa bàn trung chuyển, đưa nạn nhân từ các tỉnh nội địa hoặc từ Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh được Bộ Công an xác định là một trong số những địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người.
Công tác phòng, chống mua bán người luôn được các cấp, ngành, đoàn thể tỉnh Quảng Ninh quan tâm
Thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người,  Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người tỉnh Quảng Ninh (Ban Chỉ đạo 138) thường xuyên được kiện toàn. Hằng năm, Ban Chỉ đạo 138 đều ban hành kế hoạch phòng, chống buôn bán người. Các sở, ngành, cơ quan, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị về quan điểm lấy phòng ngừa là chính trong công tác đấu tranh với tệ nạn buôn bán người. Theo đó, công tác quản lý cư trú được ngành Công an thắt chặt. Các Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn; các đợt tổ chức tổng rà soát, lên danh sách theo các diện đối tượng, như: số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi bị mua bán; số nạn nhân trong các vụ án hiện còn ở nước ngoài; số đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội mua bán người được Công an tỉnh tổ chức hằng năm. Trên cơ sở đó triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai kịp thời đến các cấp, ngành và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đảm bảo chỉ tiêu 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người đã được chuyển tải kịp thời. Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội in ấn hơn 8.000 sổ tay hỏi, đáp chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người để cấp phát cho cộng tác viên, người uy tín tại địa phương. 
Trong tháng 5 và 6/2024, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn thành phố Hạ Long tổ chức 18 hội nghị tập huấn trang bị kỹ năng phòng ngừa tội phạm mua bán người kết hợp tuyên truyền, tư vấn cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho trên 1.500 đại biểu là đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, đoàn thể cấp xã và Trưởng thôn/khu, người uy tín, cộng tác viên tại thôn, khu trong công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người và cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đặt may áo đồng phục in thông điệp truyền thông về phòng, chống mua bán người và cấp phát miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi đến trường đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thành viên của 05 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân thuộc Mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” trên địa bàn thành phố Hạ Long. Ký hợp đồng, đặt hàng thuê 07 xe buýt tuyến Hạ Long - Đông Triều - Hạ Long của Công ty TNHH Phúc Xuyên để thực hiện truyền thông lưu động với 02 thông điệp “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người” và “Phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội” trong thời gian từ 10/7 đến hết 09/8/2024. In, treo 01 phướn thả; chạy 01 bảng điện tử nội dung truyền thông hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người tại trụ sở Liên cơ quan số 3 tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện viết, đăng tải tin bài về công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, các hoạt động truyền thông tại cộng đồng hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7 trên các báo trung ương, địa phương và Trang thông tin điện tử ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, ứng dụng mạng xã hội…
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đồng thời tổ chức 20 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực trong thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân cho cán bộ, cộng tác viên, thành viên mô hình, cụ thể là 02 hội nghị kỹ năng truyền thông, tiếp cận, hỗ trợ giảm hại về phòng, chống mua bán người và các tệ nạn xã hội năm 2024 cho 115 thành viên, tiếp cận viên các mô hình phòng, chống mua bán người, phòng, chống mại dâm tại cộng đồng.
Công tác phối hợp giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng được tỉnh chú trọng. Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp nhận 10 nạn nhân bị mua bán. Riêng tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không phát sinh vụ việc về mua bán người, không có nạn nhân bị mua bán người nên cơ quan chức năng không tiếp nhận. Về hỗ trợ cho nạn nhân, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh luôn duy trì Tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, trực 24/24 để tiếp nhận các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp như: nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân/thông tin về nạn nhân bị mua bán. Bố trí 10 phòng tạm lánh của Trung tâm và hệ thống cơ sở vật chất của Ngôi nhà Ánh Dương để tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp và các nạn nhân bị mua bán. Phối hợp với các ban, ngành, chính quyền và các cá nhân khác để cung cấp các dịch vụ như: tư vấn tâm lý, y tế, việc làm, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, nơi cư trú… cho nạn nhân bị mua bán.
Cùng với đó, Cơ sở Bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh hiện đang chăm sóc 03 trẻ em bị mua bán trở về, trong đó có 01 cháu là nữ, 02 cháu là nam, các cháu đều dưới 16 tuổi. Cơ sở thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo cho các cháu được học tập, phát triển khả năng của bản thân và tham gia các hoạt động trong Cơ sở cũng như ở nhà trường mà các cháu đang theo học.
Nhìn chung, với sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành liên quan và cộng đồng đã giúp tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh được ngăn chặn, đẩy lùi. Tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động phối hơp với một số tổ chức quốc tế để hỗ trợ các nạn nhân, nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của mua bán người được bảo vệ, giúp đỡ và hỗ trợ hoà nhập với cộng đồng an toàn. Đây là những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, kịp thời động viên, giúp các nạn nhân sớm ổn định tinh thần, vượt qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống. Cũng chính họ sẽ là nhân chứng để tuyên truyền đến người dân, hàng xóm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người, phương thức, thủ đoạn của tội phạm và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, góp phần xây dựng một xã hội an toàn và hạnh phúc./.
Minh Hằng
 
TAG:
Tin khác
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái
Đắk Nông kiềm chế, tiến tới đẩy lùi những hiểm họa và hệ lụy do tội phạm ma túy
Long Phước: Ấp Tập Phước đón nhận Khu dân cư nông thôn mới
Tập huấn đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ trong cơ quan
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ