An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Quảng Ninh: Ngành khai thác khoáng sản dẫn đầu về tai nạn lao động
02:12 PM 11/02/2020
(LĐXH) – Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, năm 2019, trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra 602 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 635 người bị nạn.
Trong đó: số vụ TNLĐ chết người là 29 vụ, số người chết là 33 người; số người bị thương nặng là 408 người, số người bị thương nhẹ là 194 người. So với năm 2018, tổng số vụ TNLĐ tăng 26 vụ, tổng số nạn nhân tăng 47 người; số vụ TNLĐ chết người giảm 03 vụ, số người chết giảm 01 người.
Ngành than dẫn đầu về các vụ TNLĐ trên địa bàn tỉnh
Trong tổng số 33 người chết do TNLĐ người, có 17 trường hợp thuộc ngành khai thác, chế biến khoáng sản; 9 trường hợp thuộc lĩnh vực bốc xúc, vận tải, xếp dỡ hàng hóa; 3 trường hợp thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng…
Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người phải kể đến là: Vụ TNLĐ xảy ra ngày 18/5/2019, tại Công ty than Hạ Long - TKV do cháy khí CH4 làm chết 2 người, bị thương 3 người. Tiếp đó tháng 6/2019, cũng tại Công ty than Hạ Long - TKV do sự cố xuất lộ nước trong lò chợ khai thác than làm chết 1 người, bị thương 1 người; ngày 8/11/2019, tại Công ty TNHH Tâm Thành do đất đá bãi thải sạt lở làm chết 4 người, bị thương 1 người.
Qua điều tra các vụ TNLĐ chết người cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ do cả lỗi của người sử dụng lao động và người lao động, cụ thể như: Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao; chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công; phân công công việc không cụ thể, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đầy đủ; tổ chức sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ chưa hiệu quả chiếm 80,3% số vụ. Công tác lập, duyệt hồ sơ kỹ thuật, hộ chiếu, biện pháp thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đảm bảo; chưa dự báo, kiểm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ để lập các biện pháp phòng tránh và chỉ đạo tổ chức thực hiện chiếm 35,7% số vụ.
Về phía người lao động, do trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chưa chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật lao động; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội chiếm 83,6% số vụ.
Trong năm 2019, Đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh đã điều tra tổng số 54 vụ tai nạn các loại, trong đó có: 29 vụ TNLĐ chết người tại các doanh nghiệp (khu vực có quan hệ lao động); 09 vụ TNLĐ chết người trong khu vực không có hợp đồng lao động; 07 vụ tai nạn chết người do bệnh lý xảy ra tại nơi làm việc, trong giờ làm việc; 09 vụ tai nạn chết người khi tham gia giao thông được hưởng chế độ TNLĐ.
Qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 121 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra TNLĐ xử lý kỷ luật 138 người; trong đó, cán bộ quản lý là 124 người (chiếm 89,8%), công nhân lao động là 14 người (chiếm 10,2%).
Để tiếp tục chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện 04 nội dung liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, cụ thể: Quan tâm đến công tác quản lý, đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng về an toàn lao động cho cán bộ chỉ huy sản xuất và người lao động; công tác thanh, kiểm tra, chú trong công tác tự kiểm tra; công tác khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động./.
Nguyễn Hiền
TAG:
Tin khác
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản