Quảng Ninh: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tâm thần, rối nhiễu tâm trí
(LĐXH) – Những năm qua, thực hiện Mô hình trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí (RNTT), Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh) đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhân thức của cộng đồng về lĩnh vực tâm thần, RNTT, tự kỷ; giúp các đối tượng trong cộng đồng biết, hiểu và tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm trí của Trung tâm.
Mô hình trị liệu cho trẻ tự kỷ, RNTT được Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh thực hiện từ năm 2012. Trung tâm đã tích cực truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tâm thần, RNTT, như: Truyền thông, nói chuyện chuyên đề về giáo dục sức khỏe tâm thần tích cực và phương pháp nhận biết các yếu tố nguy cơ mắc rối loạn tâm thần ở học sinh cho giáo viên và học sinh các trường THCS, THPT; tập huấn về RNTT, tự kỷ cho giáo viên, phụ huynh tại các trường Mầm non; tập huấn về kỹ năng nhận biết, hỗ trợ người bị RNTT, tự kỷ tại cộng đồng cho đội ngũ cộng tác viên Công tác xã hội, y tế cơ sở tại các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả, trong hơn 10 năm qua, Trung tâm đã can thiệp, trị liệu cho hơn 300 trẻ; đánh giá, sàng lọc cho hàng nghìn trẻ đến từ các địa phương trong tỉnh và các địa bàn lân cận, từng bước giúp các em hòa nhập tốt với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Năm 2023, Trung tâm tiếp tục triển khai Mô hình với mục tiêu hiện sàng lọc, đánh giá, trị liệu RNTT và lập hồ sơ quản lý từ 15 trẻ trở lên; cung cấp dịch vụ trợ giúp, hướng dẫn trị liệu tâm lý cho gia đình/người chăm sóc giúp đối tượng là trẻ em tự kỷ, RNTT tại gia đình, cộng đồng. Trong năm, Trung tâm đã tổ chức 15 lớp tập huấn về rối nhiễu tâm trí, tự kỷ cho giáo viên, phụ huynh tại 15 trường Mầm non trên địa bàn thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều; 16 lớp truyền thông, nói chuyện chuyên đề về giáo dục sức khỏe tâm thần tích cực và phương pháp nhận biết các yếu tố nguy cơ mắc rối loạn tâm thần ở học sinh cho giáo viên và học sinh tại các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố Uông Bí; 05 lớp tập huấn về kỹ năng nhận biết, hỗ trợ người bị rối nhiễu tâm trí, tự kỷ tại cộng đồng cho đội ngũ cộng tác viên Công tác xã hội, y tế cơ sở tại huyện Tiên Yên và thị xã Quảng Yên.
Đơn vị cũng đẩy mạnh công tác truyền thông trên cơ sở phân loại và xác định đối tượng để có nội dung truyền thông cụ thể với các hình thức truyền thông phù hợp, cụ thể như: Phối hợp với Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để đưa tin giới thiệu về hoạt động của Mô hình; Phát hành đến cộng đồng tờ rơi, áp phích, sách hướng dẫn nhận biết, chăm sóc, phòng tránh hội chứng tự kỷ ở trẻ em để cung cấp cho bố mẹ và người nuôi dưỡng trẻ, Cộng tác viên Công tác xã hội, Y tế cơ sở. Qua đây cha mẹ và các bậc phụ huynh, Cộng tác viên Công tác xã hội, Y tế cơ sở có thể nhận biết những dấu hiệu điển hình của hội chứng tự kỷ ở trẻ em rõ ràng hơn, từ đó sẽ có phương hướng chăm sóc, can thiệp chính xác, hiệu quả.
Cùng với đó, Trung tâm đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác tư vấn, can thiệp, hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu qua tổng đài, website và tại cộng đồng, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ, kịp thời và chất lượng, đặc biệt là hoạt động tư vấn qua tổng đài tư vấn miễn phí 18001769.
Có thể nói, qua các hoạt động truyền thông, nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực tâm thần, RNTT, tự kỷ được rõ ràng hơn; công tác xã hội đã được nâng cao, đồng thời tạo cơ hội cho các đối tượng trong cộng đồng được biết, hiểu và tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm trí của Trung tâm.
Trong thời gian tới, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nính sẽ tiếp tục duy trì thực hiện hoạt động phòng và trị liệu RNTT cho trẻ em (thực hiện đồng thời tại Trung tâm và cộng đồng); Tiếp tục cải tạo nâng cấp, trang sắm bổ sung các thiết bị chuyên dùng cho cơ sở phòng và trị liệu RNTT; Thực hiện đào tạo cho cán bộ nhân viên công tác xã hội ở cộng đồng tham gia vào quá trình tư vấn, trị liệu cho đối tượng RNTT ở cộng đồng và quản lý trường hợp; Học tập kinh nghiệm quốc tế về phòng và trị liệu RNTT, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội.../.
Hưng Cảnh
TAG: