An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Giảm hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
03:03 PM 10/03/2021
Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn nằm trong Chương trình 135 (xã, thôn đặc biệt khó khăn). Có được kết quả này là do tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội, từ đó giúp bà con thoát nghèo bền vững, đặc biệt là đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Đường lên xã Quảng An (Đầm Hà) được mở rộng trong năm 2020.
Trước hết, tỉnh vẫn tiếp tục duy trì Chương trình 135, Đề án 196 ở các xã, thôn vừa thoát chương trình này. Cụ thể năm 2020, tổng vốn theo kế hoạch giao hỗ trợ các thôn, xã này hơn 347 tỷ đồng. Qua đó, các địa phương đã đầu tư 295 công trình. Các công trình này chủ yếu là đường trục thôn, ngõ xóm, đường ra khu sản xuất tập trung; đập, kênh mương, công trình nước sinh hoạt tập trung... để phục vụ người dân sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các xã, thôn này còn được đầu tư các hạ tầng khác như: Nhà văn hóa, trường học, trạm y tế...
Sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh đối với xã, thôn vùng đồng bào DTTS đã đưa kết cấu hạ tầng nơi đây ngày càng khang trang. Đến nay, hệ thống kênh chính và kênh cấp I của các công trình thủy lợi ở cả 67 xã và 47 thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đều được kiên cố hóa; kênh cấp 3 và kênh nội đồng cũng được kiên cố hóa với số lượng đáng kể. Hệ thống thủy lợi hàng năm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, nuôi trồng thủy sản...
Mô hình ủ, sản xuất rượu khoai ở xã Quảng Lâm (Đầm Hà).
Tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã. Đường trục xã, liên xã đều được bê tông hóa. Điều này đã góp phần quan trọng cho việc giao lưu, thông thương hàng hóa. Hầu hết hộ đồng bào DTTS đã có điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt. Con em vùng đồng bào DTTS được học trong những ngôi trường khang trang, sạch, đẹp...
Bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tỉnh, các địa phương còn chú trọng nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; khơi dậy tinh thần tự lực phát triển kinh tế gia đình của bà con. Riêng Ban Dân tộc tỉnh năm 2020 đã tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, tuyên truyền các mô hình mới cho 500 người đến từ các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều...
Các địa phương cũng chú trọng việc nhân rộng mô hình sản xuất phù hợp ở vùng đồng bào DTTS, đưa bà con đi tham quan những mô hình hiệu quả; vận động người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ bà con về kỹ thuật, giống... Tiêu biểu ở TP Hạ Long và huyện Bình Liêu được tỉnh giao tổng hơn 2,7 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con vùng đồng bào DTTS, từ đó nâng cao mức sống cho người dân. Đến nay, các địa phương này đều có những chương trình hỗ trợ phù hợp, được bà con tin tưởng, đánh giá cao.
Đồng bào dân tộc Dao Bình Liêu tìm hiểu về quy trình sản xuất trà túi lọc từ cây dược liệu.
Mặt khác, các địa phương còn chú trọng vận động người dân, cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, đoàn thể chung tay vào cuộc hỗ trợ bà con vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xã hội với nhiều hình thức, từ đóng góp tiền, của đến công lao động... Năm 2020, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” cấp tỉnh và các nguồn hỗ trợ khác, đã có 728 ngôi nhà hộ nghèo, hộ khó khăn được sửa chữa, xây mới; trong đó, nhà của người dân vùng đồng bào DTTS chiếm số lượng đáng kể.
Cùng với đó, các địa phương cũng tiếp tục nâng cao nhận thức cho bà con trong giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn... Riêng năm 2020, bà con nhân dân huyện Bình Liêu (huyện chủ yếu người dân tộc thiểu số sinh sống) đã hiến 6.482m2 đất, đóng góp trên 195,3 triệu đồng và 1.618 ngày công để xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn. Bà con các xã vùng đồng bào DTTS còn tích cực tham gia phong trào “ngày chủ nhật xanh” dọn dẹp đường làng, ngõ xóm; xây dựng cảnh quan môi trường sạch - đẹp...
Sự nỗ lực của tỉnh, các địa phương; sự đồng lòng, hưởng ứng của bà con trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã giúp tỷ lệ hộ nghèo nơi đây ngày càng giảm. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở 67 xã và 47 thôn vùng đồng bào DTTS chỉ còn 0,89%. Điều này góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 0,52% năm 2019, xuống còn 0,36% năm 2020.
Thu nguyệt
TAG:
Tin khác
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội
Ninh Thuận: Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
 Quảng Ngãi: Tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm
Ninh Thuận phấn đấu để người có công có mức sống ổn định so với cộng đồng
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Châu
Phát triển các hoạt động nhân văn trên cơ sở tiếp nối những truyền thống hào hùng
Hỗ trợ người bán dâm có cơ hội tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội…
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng