Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Quảng Ninh: Còn nhiều khó khăn trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật
08:39 AM 20/06/2021
(LĐXH) – Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 20.900 người khuyết tật (NKT), trong đó có 4.000 NKT đặc biệt nặng và 11.633 NKT nặng. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Tuy nhiên, trên thực tế NKT vẫn rất khó tiếp cận cơ hội học nghề, tìm việc làm bởi còn nhiều rào cản.
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT, như: đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, định hướng nghề…, tạo điều kiện cho NKT phát huy khả năng của bản thân để ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều tiến hành kiểm tra, thẩm định một số cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng lao động trở lên là NKT. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho NKT cũng được đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền, tư vấn phong phú đa dạng, phù hợp. Đối với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều thay đổi phù hợp đối với NKT. NKT đã được tham gia các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện bản thân.
(Ảnh minh họa)
Mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh đều bố trí kinh phí hỗ trợ lao động học nghề từ 10 - 15 tỷ đồng. Năm 2017, tỉnh đã ban hành Quyết định 1139/2017/QĐ-UNBD phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, trong đó có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT và mỗi người có thể được hưởng mức hỗ trợ cao nhất lên đến 6 triệu đồng/khóa học. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai lồng ghép dạy nghề cho NKT trong Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg và Quyết định 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Tổng số Người khuyết tật được đào tạo nghề là 844/8.730 người, chiếm 9,66% tổng số Người khuyết tật có khả năng lao động; trong đó được đào tạo nghề từ chương trình dành cho người khuyết tật là 427 người. Thời gian qua, tỉnh đã vận động thành lập và công nhận 14 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là Người khuyết tật; trong đó có 04 doanh nghiệp sử dụng lao động là Người khuyết tật được hỗ trợ vốn từ Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật của tỉnh để mua sắm thiết bị, hỗ trợ vốn đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho người khuyết tật. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Cụ thể:  Công ty Cổ phần May Quảng Ninh 675 triệu đồng; Công ty TNHH Thương binh 2-9 Đông Triều 450 triệu đồng; Công ty Cổ phần Thương binh Đoàn kết Cẩm Phả 750 triệu đồng; Năm 2013 chi hỗ trợ cho Công ty TNHH MTV Nhân đạo Diêu Bông 300 triệu đồng.
Mặc dù công tác hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT được tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm nhưng thực tế, hiệu quả vẫn còn hạn chế. Số người khuyết tật được đào tạo nghề chưa cao, ngành nghề đào tạo còn ít, chưa phù hợp với nhu cầu, đặc điểm khuyết tật và người lao động có việc làm, thu nhập ổn định sau học nghề còn hạn chế. Khi tham gia học nghề, đòi hỏi thời gian đào tạo nghề cho người khuyết tật dài hơn các đối tượng bình thường khác (tiếp thu chậm, khả năng thao tác hạn chế do bị khuyết tật…). Để tổ chức thành lớp riêng rất khó khăn do ít đối tượng tham gia học cùng một nghề. Phần lớn người khuyết tật có việc làm không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo từ thiện. Rất ít người tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Mặt khác, bản thân người khuyết tật chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đồng thời do tính chất sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc bố trí việc làm phù hợp với sức khỏe, đặc điểm của người khuyết tật, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề đặc thù như khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng, vận tải…
Để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với đối tượng là các doanh nghiệp về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc đào tạo và tuyển dụng lao động là NKT vào làm việc. Cũng như các quyền lợi của doanh nghiệp khi có lao động là đối tượng này; Làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho NKT; Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho NKT nói riêng; Nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho NKT…/.
Hưng Cảnh
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật
Huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn, vệ sinh lao động