Quảng Ninh: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp góp phần ổn định cuộc sống người lao động
(LĐXH) – “Tôi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và nhanh chóng được giải quyết trợ cấp với số tiền mỗi tháng là 2,4 triệu đồng, giúp trang trải thêm cho cuộc sống…”- đây là chia sẻ của người lao động mất việc làm được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai linh hoạt các biện pháp, xây dựng các phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), khai báo thông tin tìm kiếm việc làm, kết nối việc làm giúp người lao động mất việc sớm tìm được việc làm mới. Góp phần ổn định cuộc sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng sản xuất dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người lao động bị giảm sút. Trước tình hình đó, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp linh hoạt để giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách BHTN cho người lao động; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp để doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất, từ đó ổn định việc làm cho người lao động cũng như có thể tuyển dụng thêm lao động.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Quảng Ninh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh thực hiện quy trình làm hồ sơ, thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động nhanh gọn, thuận lợi. Hiện nay, người lao động làm hồ sơ nộp đến Trung tâm DVVL tỉnh, trong vòng 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, Trung tâm đánh giá, ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày ra quyết định, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo 2 hình thức là qua thẻ ATM hoặc nhận tiền mặt qua dịch vụ bưu điện. Hàng tháng người lao động đến địa điểm của Trung tâm DVVL tỉnh để khai báo tình trạng việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Đặc biệt, để phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc tổ chức tư vấn và tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người lao động, Trung tâm DVVL tỉnh cũng triển khai thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ BHTN qua đường bưu điện, tiếp nhận thông báo về tình trạng việc làm, tư vấn việc làm online, qua điện thoại, mạng xã hội, gmail… nhờ đó các chế độ của người lao động luôn được đảm bảo. Bên cạnh đó, Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện mô hình một cửa liên thông trong việc thực hiện chính sách BHTN, nhờ đó nâng cao tính chính xác, kịp thời trong giải quyết hồ sơ hưởng BHTN, bảo đảm phương châm 3 đúng: Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung tâm DVVL tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, giải quyết chính sách, chế độ BHTN cho 6.300 lao động.
Có 3 năm làm nhân viên trực tổng đài tại doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ tại thành phố Cẩm Phả, chị Nguyễn Thị Thùy Như, 29 tuổi ở phường Cẩm Tây (thành phố Cẩm Phả), bị chấm dứt hợp đồng lao động vào cuối tháng 12/2020 do doanh nghiệp gặp khó khăn. Chị Như cho biết: Bản thân tôi chưa xin được việc trong khi phải nuôi 2 con nhỏ, toàn bộ chi phí do chồng cáng đáng với nghề lái xe. Đầu tháng 3/2021, tôi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và nhanh chóng được giải quyết trợ cấp với số tiền mỗi tháng là 2,4 triệu đồng, giúp trang trải thêm cho cuộc sống. Trước mắt tôi ở nhà một thời gian chăm sóc gia đình, sau đó sẽ tìm công việc mới phù hợp hơn.
Hay như anh Lê Xuân Lộc, phường Cẩm Thạch (thành phố Cẩm Phả) đã có thời gian hơn 3 năm làm công nhân tại một doanh nghiệp ở tỉnh Long An. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp giảm nhân công, anh Lộc mất việc và trở về quê vào cuối tháng 12/2020. Anh Lộc cho biết: Sau khi về nhà, tôi chưa tìm được việc, điều kiện khó khăn, giữa tháng 3/2021, tôi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Chi nhánh thành phố Cẩm Phả. Trong thời gian hưởng trợ cấp, tôi vẫn liên hệ xin việc mong tìm được công việc phù hợp.
Không chỉ thực hiện tốt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm DVVL tỉnh còn tư vấn, giới thiệu việc làm; tư vấn xuất khẩu lao động; hỗ trợ học nghề… để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Bên cạnh việc duy trì hoạt động định kỳ hằng tháng của 4 sàn giao dịch việc làm tại thành phố Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí, với tần suất 6 phiên/tháng thì Trung tâm triển khai thêm hình thức kết nối online. Ngoài bố trí cho các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng tại các phiên giao dịch, Trung tâm DVVL tỉnh đã đăng thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên trang web của Trung tâm; xây dựng kho dữ liệu cung - cầu lao động; thực hiện tư vấn nghề nghiệp cho người lao động; duy trì 3 trang facebook sàn giao dịch việc làm tại thành phố Hạ Long, Móng Cái và Uông Bí… để tuyên truyền, tạo điều kiện cho người lao động truy cập, từ đó liên hệ với các công ty để đăng ký tuyển dụng. Trong 9 tháng qua, Trung tâm DVVL tỉnh đã tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm; tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách việc làm cho 10.700 lượt lao động; giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động cho 4.050 lượt lao động và 490 lượt doanh nghiệp; Toàn tỉnh có 300 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Có thể thất, trong suốt gần hai năm qua, khi nền kinh tế phải đối mặt với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, BHTN đã thể hiện vai trò và sự ưu việt của mình, như là giá đỡ vững chắc của hệ thống an sinh, bảo vệ người lao động trước sự giảm sút về thu nhập do đóng cửa nền kinh tế. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng sẽ tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách BHTN nhằm đảm bảo cho người lao động đủ điều kiện đều được tham gia BHTN; Tổ chức tập huấn pháp luật lao động nói chung và BHTN nói riêng tới chủ sử dụng lao động và NLĐ; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư vấn cho người lao động trong tìm kiếm việc làm, học nghề… để thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách BHTN./.
Hưng Cảnh
TAG: