An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Nam: Trên 47.000 người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
09:29 AM 18/11/2020
(LĐXH) Công tác trợ giúp người khuyết tật được tỉnh Quảng Nam chú trọng thực hiện thông qua nhiều biện pháp, nhằm giúp đối tượng sớm vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 47.228 người khuyết tật đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (trong đó người khuyết tật nặng: 36.100 người; người khuyết tật đặc biệt nặng: 11.128 người). Người khuyết tật đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 430 người; mức chuẩn trợ cấp (hệ số 1: 360.000đ), tương đương với mức nuôi dưỡng 1.080.000đ/người/tháng (hệ số 3) và mức 1.440.000đ/người/tháng (hệ số 4). Tỉnh đã thực hiện đầy đủ các chính sách của nhà nước đối với người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hàng tháng và đang nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế và khi chết thực hiện hỗ trợ mai táng phí theo quy định hiện hành. Người khuyết tật trên địa bàn như người khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng, khuyết tật nhẹ, đối tượng thương binh... khi có nhu cầu đều được cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Số người khuyết tật đã được cấp Giấy xác nhận khuyết tật trên địa bàn tỉnh đến nay trên 48.000 người.
Lãnh đạo huyện Núi Thành thăm hỏi sức khỏe và tặng quà NKT
Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách trợ cấp theo quy định, tỉnh đã vận động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho người khuyết tật như hỗ trợ sinh kế, cải thiện chỗ ở, nhà ở, tạo điều kiện cho người khuyết tật có việc làm, phát triển sản xuất tăng thu nhập, vươn lên trong cuộc sống để hòa nhập với cộng đồng. Tranh thủ vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các hội trên địa bàn tỉnh như Hội Bảo trợ người khuyết tật, Quyền trẻ em và Bệnh nhân nghèo; Hội người mù; Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, Hội Từ thiện… đã trợ giúp (hàng năm trên 10 tỷ đồng) để tổ chức các hoạt động giúp đỡ, thăm tặng quà cho người khuyết tật gặp khó khăn, hộ gia đình nghèo; hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ bị tim bẩm sinh, khám chữa bệnh miễn phí, cấp các dụng cụ hỗ trợ phương tiện đi lại cho người khuyết tật như xe lăn, xe lắc, gậy…
Thực hiện chính sách trợ giúp về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã cấp số tiền trên 4 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp giáo dục cho địa phương thực hiện các chính sách trợ giúp về giáo dục, học sinh khuyết tật được miễn giảm học phí, tạo điều kiện cho các em được học tập và có những hoạt động trợ giúp các em hoà nhập với cộng đồng. Các trường nghề trên địa bàn đã đào tạo nghề (trình độ sơ cấp hoặc dưới 3 tháng) cho người khuyết tật có nhu cầu; hỗ trợ đào tạo nghề cho 262 lao động là người khuyết tật, với kinh phí 790 triệu đồng theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của của Thủ tướng Chính phủ).
Trợ giúp người khuyết tật cần sự chung tay của cộng đồng
 Các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề truyền thống của các địa phương đã tạo điều kiện dạy nghề thủ công và tạo việc làm cho người khuyết tật trên 500 người như may dân dụng, mộc, mây tre, lồng đèn sửa chữa hon đa, xe đạp, in lụa… ngay tại địa phương, tạo điều kiện để người khuyết tật có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, với sự tài trợ của Tổ chức phi chính phủ như Apheda, ACDC, CRS,... đã tài trợ cho các Hội người khuyết tật, Hội người mù, các hội đã phối hợp với cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề truyền thống… dạy nghề miễn phí cho gần 400 người khuyết tật có nhu cầu học nghề như may dân dụng, làm vàng mã, làm hương, dán áo mưa, xoa bóp massage; chạm mộc. Số người khuyết tật sau khi học xong nghề đã tham gia làm việc tại các làng nghề truyền thống, cơ sở massage ngay tại địa phương hoặc được hỗ trợ vốn để làm việc tại nhà theo nhóm của người khuyết tật. Cục Bảo trợ xã hội đã hỗ trợ các Mô hình trợ giúp người khuyết tật, với số kinh phí là 300 triệu đồng để hỗ trợ sinh kế cho gia đình người khuyết tật (35 gia đình) nhằm tạo điều kiện có việc làm, tăng thu nhập. Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã hỗ trợ sinh kế cho gia đình người khuyết tật bị ảnh hưởng bom mìn; với 80 con bò/80 gia đình, trị giá là 01 tỷ đồng.
Song song với đó, tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật như: Tổ chức 06 lớp tập huấn dành cho cán bộ đại diện của các Sở, ngành, hội, đoàn thể và các cơ sở trợ giúp xã hội cấp tỉnh, có 420 người tham gia; 12 lớp dành cho cán bộ phòng, ban, hội, cơ sở trợ giúp xã hội cấp huyện, xã và gia đình người khuyết tật, có 670 người tham gia; 03 lớp dành cho nữ khuyết tật trong độ tuổi sinh sản của một số huyện, thị xã, thành phố, có trên 100 người tham gia; 05 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho cán bộ thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ hội khuyết tật, có 345 người tham gia.
Công tác thành lập và phát triển Hội người khuyết tật các cấp được quan tâm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có Tỉnh hội; Huyện hội: 11/18 huyện, thị xã, thành phố (09 hội và 02 ban vận động); Hội cấp xã: 45/244 xã, phường, thị trấn; Chi hội thôn: 101; Tổng số hội viên Hội người khuyết tật là 6.500 người. Ngoài các tổ chức hội các cấp được thành lập, các địa phương đã tạo điều kiện cho các mô hình tổ chức được thành lập và hoạt động rất hiệu quả như Chi hội Thanh niên khuyết tật, Chi hội cha me trẻ khuyết tật, Câu lạc bộ cha, mẹ trẻ tự kỷ…
Minh Anh
TAG:
Tin khác
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội
Ninh Thuận: Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
 Quảng Ngãi: Tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm
Ninh Thuận phấn đấu để người có công có mức sống ổn định so với cộng đồng
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Châu
Phát triển các hoạt động nhân văn trên cơ sở tiếp nối những truyền thống hào hùng
Hỗ trợ người bán dâm có cơ hội tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội…
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng