Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Nam nghiên cứu chính sách hỗ trợ cai nghiện bằng Methadone
11:27 AM 27/09/2021
Kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X sẽ thảo luận đề án Quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí mua thuốc Methadone và mức thu phí điều trị nghiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh.
Điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế (thuốc Methadone) được xem là biện pháp hiệu quả
Xác định tính cấp bách và cần thiết để tiếp tục duy trì hoạt động điều trị nghiện trong giai đoạn tiếp theo, khi mà nguồn thuốc Methadone không được Trung ương hỗ trợ kể từ tháng 1.2022, đề án này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm gánh nặng ngân sách địa phương, tạo sự gắn kết trách nhiệm, nâng cao tính tự giác, tự nguyện tham gia chương trình điều trị Methadone của người nghiện các chất dạng thuốc phiện. 
Trung ương cắt hỗ trợ mua thuốc
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2014 - 2021, kinh phí triển khai chương trình điều trị Methadone do ngân sách tỉnh hỗ trợ (trung bình 1,5 tỷ đồng/năm) để chi các hoạt động liên quan (bao gồm cả chi phí điều trị nghiện); riêng về thuốc Methadone, Trung ương cấp miễn phí cho tất cả người tham gia điều trị.
Đại diện Sở Y tế cho biết, việc điều trị nghiện bằng thuốc Methadone nhằm can thiệp giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Đồng thời giảm thiểu lây nhiễm từ nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ việc tái hòa nhập cộng đồng cho các trường hợp này.
Tuy nhiên, từ tháng 1.2022, nguồn thuốc Methadone sẽ không được hỗ trợ từ Trung ương; Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương trích ngân sách để mua. Do vậy, ngân sách tỉnh phải đảm bảo kinh phí mua thuốc Methadone cho tất cả đối tượng tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Cũng theo văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh cần triển khai các điều kiện để tiếp tục duy trì hoạt động điều trị trong giai đoạn tiếp theo. Do vậy, Sở Y tế đã xây dựng và lấy ý kiến các sở ngành Đề án quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí mua thuốc Methadone và mức thu phí điều trị nghiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh.
Đề án có 3 nội dung quan trọng: kinh phí mua thuốc Methadone được ngân sách tỉnh hỗ trợ và thực hiện từ tháng 1.2022; mức thu giá 7 dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị định 90/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Thu phí người tham gia cai nghiện
Tại Quảng Nam, từ năm 2014 đến nay, có 1.076 bệnh nhân tham gia điều trị nghiện bằng thuốc Methadone. Hiện toàn tỉnh có 513 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó, số đối tượng thuộc diện chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 44 trước đây là 87 người (chiếm tỷ lệ 17%).
Hiện Quảng Nam có 1 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và 5 cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai các điểm uống Methadone ở một số địa phương. Từ năm 2014 - 2021, ngân sách tỉnh hỗ trợ hoạt động điều trị nghiện nên hiện cơ sở điều trị nghiện và các cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện thu phí.
Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát một số điểm cấp phát thuốc Methadone tại một số địa phương, qua đó cho thấy có một số vấn đề cần quan tâm. Đơn cử, việc bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động trong năm 2021 cho cơ sở phát thuốc chưa có.
Cơ sở vật chất tại các điểm uống đều được xây dựng khá lâu, cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Công tác phối hợp giữ gìn an ninh trật tự tại điểm uống chưa được chú trọng. Công tác giảm liều cho người bệnh gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân...
Dự thảo Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí mua thuốc Methadone và mức thu phí điều trị nghiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn Quảng Nam đưa ra những con số đề nghị hỗ trợ cụ thể. Theo đó, dự kiến kinh phí hỗ trợ mua thuốc Methadone cho người tham gia điều trị nghiện là hơn 520 triệu đồng/năm.
Tổng cộng ngân sách tỉnh hỗ trợ mua thuốc Methadone cho tất cả đối tượng tham gia điều trị nghiện và chi phí điều trị nghiện cho đối tượng theo quy định là hơn 940 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, quy định về mức thu phí điều trị nghiện bằng thuốc Methadone được xây dựng dựa trên quy định của Bộ Y tế, yêu cầu mức giá thu phí đảm bảo bù chi phí hoạt động điều trị Methadone, không sinh lợi nhuận...

Theo Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ và mức thu dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (thuốc Methadone) trên địa bàn Quảng Nam, người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện được sử dụng thuốc thay thế (thuốc Methadone) do ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện miễn phí. Dự kiến nguồn kinh phí mua thuốc Methadone hằng năm với mức khoảng 542 triệu đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 1.1.2022 trở đi.

Từ năm 2022, người tham gia điều trị nghiện (không thuộc các đối tượng chính sách theo quy định) sẽ phải trả phí. Tại các cơ sở điều trị nghiện Methadone sẽ thu phí 7 dịch vụ điều trị nghiện.

Đối với cơ sở cấp phát thuốc Methadone ở địa phương chỉ thu phí 1 dịch vụ cấp phát thuốc Methadone với mức giá 10 nghìn đồng/lần uống. Như vậy, chi phí điều trị của người tham gia cai nghiện trung bình 1 tháng là hơn 354 nghìn đồng đối với năm đầu tiên và từ năm thứ 2 trở đi là 340 nghìn đồng.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các cơ sở uống Methadone trên địa bàn tỉnh, đại diện Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng, từ năm 2022 trở đi, thực hiện mức thu phí dịch vụ đối với các đối tượng không thuộc diện hỗ trợ sẽ rất khó khăn, do vậy đề nghị ngân sách tỉnh cấp bù 100% chi phí cấp phát thuốc (10.000 đồng/lần/người/ngày) cho các đối tượng tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (không thuộc đối tượng chính sách theo quy định) nhằm đảm bảo cho các đối tượng yên tâm điều trị bằng thuốc thay thế. Dự kiến kinh phí cấp bù khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.

Do đó, nếu đề nghị về hỗ trợ chi phí cấp phát thuốc được thông qua, thì chi phí điều trị của người tham gia cai nghiện hằng năm sẽ được hỗ trợ hơn 3,6 triệu đồng.

 


Xuân Hiền


TAG:
Tin khác
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em