Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Quảng Nam: Đề xuất bổ sung đối tượng người lao động được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19
10:38 AM 20/09/2020
(LĐXH)-Đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và hệ lụy đã rõ khi nhiều công nhân, lao động tại tỉnh Quảng Nam mất việc làm, nhiều người không may lâm bạo bệnh trong hoàn cảnh này, hiện chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ để sống tạm qua ngày.
Tỉnh Quảng Nam có hơn 55 nghìn đoàn viên là các công nhân, người lao động hiện đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cũng như hỗ trợ đoàn viên gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Kỳ Vĩnh – Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận, làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng trăm doanh nghiệp, trong đó có 15 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, dẫn đến đời sống, thu nhập và việc làm của 15 ngàn công nhân lao động bị ảnh hưởng, mất việc, giảm giờ làm do thực hiện giãn cách xã hội hoặc CNLĐ bị cách ly. 
Còn theo ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam - tại các địa phương thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, hiện một số doanh nghiệp cho công nhân, lao động tạm nghỉ việc; một số công nhân, lao động tại Đà Nẵng tạm nghỉ việc để thực hiện cách ly. Tính đến ngày 10/8/2020, có hơn 25.000 lao động tỉnh Quảng Nam nghỉ việc 1 tuần trở lên (trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 2). Còn lại do yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, phần lớn doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động nhưng thực hiện nghiêm ngặt việc phòng chống dịch.
Sau nhiều năm dành dụm, vợ chồng chị Hồ Thị Kim Oanh (thôn Lệ Nam, xã Duy Châu, Duy Xuyên) cũng cất được ngôi nhà mới để có nơi trú ngụ. Niềm vui chẳng tày gang, vợ chồng đang cố vun vén cho tương lai thì bất hạnh ập đến khi chồng bị tai nạn, còn chị từ lúc dịch Covid-19 bùng phát thì phát hiện ung thư vú. Không đủ sức khỏe, chị mất việc làm.
"Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất nhưng công ty thương hoàn cảnh nên vẫn giữ chồng tôi làm việc, ngặt nỗi đồng lương của mỗi mình ảnh (anh Phạm Quang Dũng - chồng chị Oanh) không nuôi nổi cả nhà" - chị Oanh gạt nước mắt khi nói về hoàn cảnh của gia đình. Vì vậy, khi nhận được suất hỗ trợ từ Quỹ từ thiện Tấm lòng vàng (Báo Lao Động), chị Oanh bảo đó là cứu cánh cho cả gia đình giữa lúc khốn khó trăm bề.
Dịch bệnh Covid-19 không chỉ khiến gia đình chị Hồ Thị Kim Oanh bị ảnh hưởng, mà có đến 8.000 công nhân toàn huyện Duy Xuyên phải tạm nghỉ việc. Để giúp ngặt cho hàng nghìn cảnh nghèo của công nhân, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Duy Xuyên đã tìm kiếm nhiều nguồn hỗ trợ từ xã hội để trợ cấp cho họ.

Người lao động nhận chế độ hỗ trợ tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Hội An
Cũng theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, từ tháng 3 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát đã làm Quảng Nam và Đà Nẵng là hai điểm đến bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ kiệt quệ, không còn khả năng duy trì, tồn tại; doanh nghiệp lớn chỉ giữ lại rất ít lao động chủ chốt, tuy nhiên về lâu dài cũng rất khó khăn.
Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ chưa thật sự khả thi, khiến doanh nghiệp càng thêm khốn đốn.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam kiến nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ năm nhóm vấn đề, đó là: Hỗ trợ người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động sau ngày 1-4 đến 30-6; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động trong gói 62 nghìn tỷ đồng; giảm thuế VAT, thuế doanh thu, tiền thuế đất và thuê nhà thầu; các chính sách ngân hàng về khoanh nợ, hạ lãi suất; hỗ trợ đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực lao động ngành du lịch hậu Covid-19.   
Riêng với người sử dụng lao động, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho nhân viên. Đến nay, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam dù đã cố gắng huy động nguồn vốn để trả lương người lao động, nhưng do dịch bệnh kéo dài nên tài chính cũng dần kiệt quệ. Nếu không có sự hỗ trợ gấp rút từ Nhà nước, doanh nghiệp sẽ khó bám trụ, đứng vững để tái sản xuất khi dịch bệnh kết thúc…
Quảng Nam quyết liệt triển khai hỗ trợ người lao động trước dịch Covid 19
Về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, mới đây, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cũng vừa đề xuất và xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bổ sung hỗ trợ nhóm đối tượng là thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp hàng tháng và giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (trừ cơ sở giáo dục thuộc doanh nghiệp được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP.
Theo đó, đại diện Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đề xuất bổ sung hỗ trợ nhóm đối tượng là thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng, số người đề nghị hỗ trợ là 287 người với số tiền trên 412 triệu đồng.

Bổ sung hỗ trợ nhóm đối tượng là giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập là 1.091 người với số tiền hỗ trợ là hơn 1,77 tỉ đồng.

Tổng kinh phí theo đề xuất bổ sung hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng này hơn 2,18 tỉ đồng. Nguồn kinh phí đề xuất từ nguồn quỹ vận động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do UBMTTQVN tỉnh quản lý.

Ông Trần Văn Chiến – Phó Giám đốc Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đến thời điểm hiện nay chưa xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, cơ quan thực hiện. Theo ông, đây là chính sách hỗ trợ có ý nghĩa thiết thực thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, đến ngày 11/9/2020, tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ đối với người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, người thuộc hộ nghèo và người thuộc hộ cận nghèo.
Nhóm đối tượng này có gần 220 ngàn người được hỗ trợ; đạt tỉ lệ 99,63% tổng số người được phê duyệt với tổng kinh phí chi trả hơn 254 tỉ đồng. Số người chưa nhận hỗ trợ là 803 người với tổng kinh phí còn lại trên 757 triệu đồng. Lý do là những người này đi làm ăn xa không có mặt tại đại phương, đang điều trị bệnh…
Đối với nhóm người lao động, hộ kinh doanh, theo ông Trần Văn Chiến cho biết, đến ngày 11/9/2020 đã có quyết định hỗ trợ của cấp huyện gần 49 nghìn người/hộ kinh doanh với tổng số tiền chi trả hơn 51,5 tỉ đồng. Tổng số người/số hộ đã chi trả trên 31,6 nghìn người/hộ với tổng số tiền đã chi trả trên 31,6 tỉ đồng.
Cụ thể, hỗ trợ người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương trên 2.800 người, số tiền chi trả trên 5,2 tỉ đồng; hỗ trợ hộ kinh doanh: đã chi trả 989 hộ, kinh phí trên 962 triệu đồng.
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp: đã chi trả 104 người, kinh phí chi trả 132 triệu đồng. Hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm: đã chi trả gần 28 nghìn lao động, kinh phí đã chi trả hơn 27,7 tỉ đồng.
Ghi nhận của phóng viên tại Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An trong sáng ngày 19.7.2020 cho biết, Phòng đã tiếp tục chi trả chế độ hỗ trợ tháng 5, 6 cho gần 1.000 lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Đây là nhóm lao động thuộc đối tượng 1 (tạm hoãn hợp đồng và nghỉ việc không lương) tại 17 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, việc chi trả chế độ hỗ trợ thực hiện trong 2 ngày 17 và 18.9, tuy nhiên, để góp phần phòng tránh cơn bão số 5, Phòng LĐ-TB&XH Hội An quyết tâm hoàn thành việc chi trả trong ngày hôm nay./.

Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật