Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Bình hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng
04:11 PM 22/06/2021
(LĐXH)- Nhằm đẩy lùi tệ nạn mại dâm trên địa bàn, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tỉnh Quảng Bình đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, có việc xây dựng, thí điểm các mô hình hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 460 cơ sở lưu trú du lịch, gồm: 3 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao, 17 khách sạn 2 sao, 14 khách sạn 1 sao cùng hệ thống nhà nghỉ du lịch, homestay, farmstay, nhà nghỉ, nhà trọ. Với khoảng 5.200 buồng (10.200 giường). Ngoài ra, có 15 cơ sở mát xa, 213 điểm karaoke, 228 quán cafe giải khát; có gần 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách tại các điểm du lịch. Toàn ngành du lịch có khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 12.000 lao động gián tiếp. Theo thống kê của các ngành chức năng, trong số các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện có 47 cơ sở nghi vấn tổ chức hoạt động mại dâm và khoảng 1.213 nhân viên nữ phục vụ, trong đó có 62 đối tượng nghi hoạt động bán dâm.
Cung cấp tài liệu, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm cho thành viên các nhóm đồng đẳng ở Quảng Bình
Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình hoạt động mại dâm của tỉnh có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tệ nạn mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động mại dâm ngày càng kín đáo, tinh vi hơn. Địa điểm hoạt động mại dâm phần lớn diễn ra tại các cơ sở lưu trú, cơ sở mát xa, điểm karaoke, quán cafe giải khát...
Khi khách hàng có nhu cầu, chủ các cơ sở lưu trú, đối tượng dẫn dắt thông qua điện thoại di động móc nối với nhau để gọi gái bán dâm, hẹn thời gian, địa điểm để tổ chức mua bán dâm. Về thành phần đối tượng bán dâm đa số ở các vùng nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không nghề nghiệp ổn định, học vấn thấp dễ bị dụ dỗ đưa vào con đường bán dâm. Hiện nay, các đường dây gái mại dâm lợi dụng các mạng xã hội faceboook, Zalo, Viber... để hoạt động nhằm đối phó với cơ quan chức năng; địa bàn hoạt động tệ nạn mại dâm chủ yếu tại các phường trung tâm thành phố Đồng Hới, các huyên, thị xã và các tuyến điểm du lịch đông người.
Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, đấu tranh làm rõ 6 vụ, có 25 đối tượng liên quan đến tệ nạn mại dâm; trong đó, có 4 chủ chứa, 1 nhân viên, 10 khách mua dâm và 10 người bán dâm). Đồng thời, tiến hành khởi tố 12 vụ/19 bị can, truy tố 88 vụ/15 bị can và Tòa án nhân dân xét xử 4 vụ/5 bị cáo về tội chứa mại dâm.
Thời gian qua, để đẩy lùi tệ nạn mại dâm, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, các ngành chức năng và các địa phương tỉnh Quảng Bình đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về phòng, chống mại dâm bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao dễ sa vào tệ nạn mại dâm; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình tệ nạn mại dâm hoạt động tại nơi công cộng và tại cơ sở kinh doanh dịch vụ để làm cơ sở tham mưu đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để tệ nạn mại dâm phát sinh tràn lan trên địa bàn dân cư...
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình đã tổ chức 8 lớp tập huấn kỹ năng công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng chống tệ nạn mại dâm cho 248 đại biểu tham gia là cán bộ cấp xã, thôn tại các huyện: Bố Trạch, huyện Tuyên Hóa, huyện Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn; cấp phát hơn 5.000 tờ rơi tuyên truyền phòng chống mại dâm cho các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn...
Đối với hoạt động hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai duy trì mô hình thí điểm “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” năm 2021. Mô hình được triển khai thực hiện tại địa bàn thành phố Đồng Hới và huyện Bố Trạch.
Mô hình này đã hỗ trợ thiết lập, duy trì và phát triển thành viên các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm. Thông qua các buổi sinh hoạt, các thành viên hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, tư vấn về tâm lý, sức khỏe. Trong các buổi sinh hoạt nhóm, những người tham gia được chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em; giúp nhau giải quyết khó khăn, giảm bớt áp lực của cuộc sống, giảm nguy cơ mắc các tệ nạn xã hội. Không chỉ vậy, thành viên trong câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng còn thường xuyên tổ chức đến nhà của chị em phụ nữ có nguy cơ cao làm nghề mại dâm để tư vấn tâm lý và giúp đỡ họ có định hướng đúng đắn...   
Có thể thấy, thông qua mô hình này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong công tác trợ giúp xã hội cho người bán dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội. Đồng thời, hỗ trợ cho người bán dâm tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội như: tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, y tế, học nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn... Qua đó, giúp cho họ giảm được tác hại của tệ nạn mại dâm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và thay đổi việc làm hợp pháp.

Lê Hoàng

TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh