An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Bình: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp giảm nghèo bền vững
04:58 PM 21/12/2024
(LĐXH) - Triển khai các văn bản của Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Mô hình bò lai sinh sản được tỉnh tập trung thực hiện, giúp hộ nghèo có việc làm, tăng thêm thu nhập
Thực hiện Tiểu dự án 1- Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về quy định trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ và tiêu chí lựa chọn dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phương án và phân bổ nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Quảng Bình được phân bổ kinh phí để thực hiện các mô hình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp là hơn 29,6 tỷ đồng. Tính đến tháng 7/2024, tỉnh đã triển khai thực hiện 65 dự án cho 2.877 hộ với kinh phí hơn 30 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đối ứng của người dân), gồm chăn nuôi bò lai sinh sản, gà lai chọi, lợn sinh sản, ngan đen, lạc…
Riêng trong năm 2024, tỉnh đã huy động nguồn lực để thực hiện Tiểu dự án là hơn 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 11,7 tỷ đồng; ngân sách địa phương 227 triệu đồng; huy động khác 8,3 tỷ đồng (đối ứng của người dân). Kết tính đến ngày 31/10/2024, ngân sách trung ương giải ngân đạt 5,6 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 48,6%; ngân sách địa phương giải ngân đạt 227 triệu đồng, đạt tỉ lệ 100%; huy động khác giải ngân đạt 4,7 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 56,5%. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 40 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho 1.003 hộ là đối tượng thụ hưởng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (gồm 265 hộ nghèo, 359 hộ cận nghèo, 303 hộ mới thoát nghèo) và 76 hộ khác là hộ khuyết tật không có sức khỏe ổn định hoặc hộ có thành viên là người có công với cách mạng, hộ sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Các dự án được triển khai đảm bảo đúng đối tượng, nội dung phù hợp với nhu cầu cơ bản, tình hình thực tế của các hộ tham gia dự án và quy hoạch sản xuất của địa phương, do đó nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, người dân.
Bàn giao con giống cho các hộ tham gia dự án
Thông qua việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp cho cán bộ, người dân, đặc biệt là người nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác giảm nghèo bền vững; nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo; đồng thời bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo.
Theo đánh giá, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo đã được tỉnh Quảng Bình quan tâm chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và địa phương. Phong trào giảm nghèo theo phương châm xã hội hóa được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thu hút sự tham gia của cộng đồng, người dân, tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình về cơ bản đã được ban hành đầy đủ, kịp thời trên cơ sở bám sát các quy định cấp trên. Công tác quản lý, điều hành Chương trình được thực hiện thống nhất, đồng bộ và hiệu quả từ cấp tỉnh tới địa phương.
Một số huyện đã định hướng tập trung phát triển các dự án phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm của địa phương, có giá trị kinh tế cao, đối tượng thụ hưởng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào các xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời đã góp phần tạo việc làm trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng dân cư để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo từng bước ổn định đời sống, phát triển sản xuất bền vững.
Tuy nhiên, việc thực hiện Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở Quảng Bình cũng gặp một số khó khăn như: Khả năng đối ứng của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn hạn chế, trong khi đó ngoài đối ứng thực hiện dự án, các hộ tham gia dự án phải thực hiện vòng quay vốn, vì vậy việc triển khai đòi hỏi cân nhắc trong quá trình lựa chọn đối tượng thực hiện dự án. Thủ tục xây dựng và thẩm định dự án phức tạp và phải triển khai vào thời điểm cuối năm mùa mưa bão khiến cho tiến độ thực hiện chậm và hiệu quả của dự án không cao. Một số hộ dân chưa chủ động và nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Bình đề nghị các cơ quan Trung ương mở rộng đối tượng hỗ trợ của dự án nhằm giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực sự thoát nghèo. Đối với UBND tỉnh, do đối tượng hỗ trợ của Chương trình chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn nên đề nghị điều chỉnh giảm tỷ lệ hoặc không bắt buộc đối với nội dung thu hồi một phần vốn hỗ trợ để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng./.
Minh Anh
 
 
TAG: Quảng Bình. Mô hình
Tin khác
Nam Định: Lan toả sâu rộng phong trào hỗ trợ nhà cho người nghèo
Chương trình “Kết nối những vòng tay” – Chủ đề Tết cho trẻ em nghèo năm 2024: Món quà yêu thương dành cho Trường Mầm non xã Diễn Yên
“Mùa xuân cho em” lần thứ 18 tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Yên Bái cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người cao tuổi
Phú Thọ đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Yên Bái đảm bảo cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nga: Từ tuổi thơ cơ cực đến doanh nhân thành đạt với tấm lòng nhân hậu
Ghi nhận trong công tác tìm kiếm, qui tập, xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin ở Quảng Trị
Nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương Giao Thủy