Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Quảng Bình chủ động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
07:20 PM 30/05/2022
(LĐXH)-Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham gia tích cực của các sở, ngành, đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt kết quả quan trọng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức chuyên môn, đơn vị phối hợp lồng ghép thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với các chương trình kinh tế xã hội như: chương trình phòng, chống ma túy, mại dâm; phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, chương trình giảm nghèo, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, với mục tiêu phòng ngừa tệ nạn mua bán người, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nạn nhân tiếp cận các dịch vụ pháp lý, y tế, giáo dục, xã hội, tạo việc làm, ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng. Chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ khẩn cấp, hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ công tác giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Quảng Bình và công tác cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Trong năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 08 lớp tập huấn về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống mua bán người cho 248 đại biểu tham gia là cán bộ cấp huyện, xã, thôn tại thị xã Ba Đồn, các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy. Qua tập huấn, 100% các đại biểu tham dự đã được nâng cao nhận thức về phòng chống tệ nạn mua bán người.
Hội thảo giới thiệu về dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số - EMPoWR” theo hình trực tuyến giữa điểm cầu Hà Nội và các tỉnh thực hiện dự án, gồm: Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức, sự hiểu biết cho người dân về di cư an toàn, việc làm an toàn, về thủ đoạn lừa đảo, hành vi dụ dỗ mua bán người trái phép đối, năm 2021, Quảng Bình đã tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mua bán người nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong năm đã có 15 tin bài, phóng sự tuyên truyền về phòng chống mua bán người được đăng tải trên Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Phát thanh các huyện, thị xã, thành phố in ấn, cấp phát gần 10.000 tờ rơi, tờ gấp, 100 áp phích, khẩu hiệu treo trên các trục đường chính với các nội dung: “Tích cực hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, “Chung tay phòng, chống mua bán người”, “Phòng chống mua bán người là trách nhiệm của cá nhân và toàn xã hội”… Các thôn, bản, tiểu khu tuyên truyền hơn 150 lượt trên hệ thống loa phát thanh. Tại các huyện, thị xã, thành phố đều duy trì hiệu quả Câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội; các Câu lạc bộ tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội cho hơn 500 lượt người. Về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, trong năm 2021, tỉnh không có nạn nhân bị mua bán và không có nạn nhân nào trở về. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều phụ nữ hoạt động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, nhiều người di cư trái phép, ngoài ra một số đối tượng bên ngoài lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhu cầu cần việc làm của phụ nữ dân tộc thiểu số ở một số xã vùng núi của tỉnh, lừa gạt họ đi lao động hưởng lương cao nhưng lại ép hành nghề mại dâm,… Đây chính là những tiềm ẩn nguy cơ để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi mua bán người nhằm mục đích bóc lột tình dục, sức lao động và các mục đích khác.
Vì vậy, trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng có liên quan trong tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch phòng, chống mua bán người và công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; tuyên truyền, giáo dục nhân dân ở khu vực biên giới nâng cao ý thức cảnh giác, nhận thức rõ âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động mua bán người của các loại đối tượng tội phạm, tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, không di cư tự do.
Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả; huy động nhân dân tham gia phòng, chống mua bán người, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần kiềm chế, làm giảm tội phạm và vi phạm pháp luật; đấu tranh triệt phá tất cả các vụ án liên quan đến mua bán người.
 Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung trung chỉ đạo công tác tuyên truyền trên các ấn phẩm của Báo Quảng Bình; các chương trình của Đài phát thanh - Truyền hình của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; hệ thống truyền thanh cơ sở đã dành nhiều thời lượng cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân.
Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh (chủ trì Sở Tư pháp) thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản pháp luật liên quan như: pháp luật về phòng, chống mua bán người; Luật hình sự; Luật hôn nhân và gia đình; Luật Trẻ em; Luật Thanh niên…, tập trung tuyên truyền, phổ biến tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân, về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”. Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thị xã và thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo tới các cơ sở Hội thực hiện lồng ghép tổ chức tuyên truyền về pháp luật phòng, chống mua bán người, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho hội viên, tại gia đình, cụm dân cư và tại các chi hội phụ nữ.
Ngoài ra, Dự án World Vision International tại Việt Nam đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ chi trả cho các đối tượng mua thẻ bảo hiểm y tế cho gia đình, người có nguy cơ là nạn nhân với 56 đối tượng tại xã Bảo Ninh, Lộc Ninh, Thanh Trạch, Đức Trạch.
Các Sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Quảng Bình cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng triển khai kế hoạch nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung điều tra, thu thập, bổ sung, điều chỉnh thông tin về địa bàn, tuyến trọng điểm, các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới và quản lý xuất nhập cảnh, hợp tác quốc tế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán. Tổ chức triển khai các đợt cao điểm tấn công tội phạm mua bán người trên toàn quốc, trọng tâm là tuyến biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam (WVV) triển khai một số hoạt động của Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”. Trong năm 2021, đã tổ chức 01 lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống lao động cưỡng bức và mua bán người” cho 23 đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; tổ chức 02 lớp tập huấn về mô hình thăm hộ cho 42 cộng tác viên tại cộng đồng, 46 cán bộ công tác xã hội, lãnh đạo, đại diện một số ban ngành liên quan; tổ chức 01 “Hội nghị tư vấn việc làm, học nghề dành cho người lao động muốn tìm kiếm việc làm trong tỉnh, trong nước và di cư làm việc nước ngoài” thu hút sự tham gia của 300 người (282 nam, 18 nữ) tại thành phố Đồng Hới; tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng, lập kế hoạch triển khai hoạt động sinh kế hỗ trợ nạn nhân mua bán người/người có nguy cơ là nạn nhân cho gần 70 đại biểu là đối tượng đích của dự án...
 Nhìn chung, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối kết hợp của các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương cùng với sự tham gia hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân, tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người từng bước được kiềm chế, góp phần trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Trong năm 2022, tỉnh Quảng Bỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân về kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người. Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê số nạn nhân bị mua bán trở về để kịp thời thực hiện các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; duy trì các mô hình thí điểm xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Tổ chức hỗ trợ đồng bộ, đa dạng các dịch vụ cho nạn nhân. Phối hợp với tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) triển khai một số hoạt động trong khuôn khổ của Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”./.

Nhật Minh
TAG:
Tin khác
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em