Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Phú Thọ tiếp nhận 385 người lao động nước ngoài đến làm việc
05:49 AM 18/01/2022
(LĐXH)- Trong năm 2021, tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận 385 người lao động nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, thân nhân chuyên gia nhập cảnh đến làm việc, thăm thân tại 164 lượt doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng, đúng qui định an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.
Những năm gần đây, số lượng người lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn toàn tỉnh ngày một gia tăng. Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 226 lượt doanh nghiệp với 619 vị trí công việc cho 717 chức danh công việc sử dụng người lao động nước ngoài. Các vị trí công việc được chấp thuận chủ yếu là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật nhằm quản lý công tác điều hành sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cao về công nghệ, vận hành các dây chuyền sản xuất hiện đại mà lao động người Việt Nam chưa đáp ứng được.  
Thời gian này, tỉnh cũng cấp mới 394 giấy phép lao động, cấp lại 60 giấy phép lao động, gia hạn 236 giấy phép lao động, xác nhận miễn giấy phép lao động 38 trường hợp lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; nhận báo cáo 59 trường hợp lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là chủ sở hữu, thành viên góp vốn công ty TNHH hoặc chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần có vốn góp từ 3 tỷ đồng trở lên và người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam. Nhận thông báo 125 trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, đa số là chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Lao động người nước ngoài tại một Công ty thuộc Cụm Công nghiệp Bạch Hạc, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) 

Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ cấp mới 209 giấy phép lao động, cấp lại 37 giấy phép lao động, gia hạn 236 giấy phép lao động, xác nhận 11 trường hợp lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Trong đó chia theo quốc tịch gồm: Hàn Quốc 177 người, Trung Quốc 149 người, Philippin 55 người, Ấn Độ 08 người, Nam Phi 11 người, Ghana 08 người, Nhật Bản 05 người, Kenya 04 người và các quốc tịch khác.
Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Phú Thọ cấp mới 185 giấy phép lao động, cấp lại 23 giấy phép lao động, xác nhận 27 trường hợp lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Chia theo quốc tịch gồm: Hàn Quốc 267 người, Trung Quốc 69 người, Philippin 6 người, Nhật Bản 10 người.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ, cho biết: Các doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài đã cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật khi bảo lãnh, tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài, như: đăng ký nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài hoặc giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người nước ngoài làm việc tại đơn vị; cấp mới và cấp lại giấy phép lao động, nộp phí theo quy định của pháp luật; đảm bảo thực hiện đúng các nội dung trong giấy phép lao động về chức danh công việc, chuyên môn, nơi làm việc; chỉ ký kết hợp đồng lao động với người nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động; đăng ký tạm trú cho người nước ngoài theo quy định hiện hành. Đặc biệt, nhằm quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài để phòng, chống dịch Covid-19, ngày 17/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương. Trên cơ sở đó, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng kí và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp. Kiên quyết không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp. Kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục quy định của pháp luật đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép (nếu có).
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nhân sự của Công ty TNHH JNTC Việt Nam (Khu Công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì), cho biết: Hiện tại, Công ty đang ký hợp đồng lao động với 130 người lao động nước ngoài, đây là những vị trí, chức danh công việc mà người lao động Việt Nam không đáp ứng được. Trong quá trình sử dụng hoặc có nhu cầu thay đổi lao động là người nước ngoài, Công ty đã chủ động cung cấp đầy đủ hồ sơ về người lao động; bản thân những người lao động nước ngoài đang làm việc tại Công ty luôn nghiêm túc chấp hành mọi quy định pháp luật Việt Nam.
Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử nhằm đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng cho doanh nghiệp, tổ chức và nhà thầu…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật