Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Phú Thọ thiếu hụt khoảng 4.000 lao động do dịch Covid-19 bùng phát
04:46 PM 04/11/2021
(LĐXH)- Hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại tỉnh Phú Thọ, nhiều người lao động sinh sống trong vùng phong tỏa (khoảng 2.000 người) và hàng ngàn người thuộc các đối tượng liên quan phải thực hiện cách ly đã khiến cho số lao động trong Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn bị thiếu hụt khoảng 4.000 lao động.
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 07 KCN được Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích quy hoạch 2.156 ha, gồm các KCN: Thụy Vân, Trung Hà, Phù Ninh, Phú Hà, Tam Nông, Cẩm Khê và Hạ Hoà. Ngoài ra, tỉnh còn có 02 CCN là Bạch Hạc và Đồng Lạng. Đến nay, có 04 KCN và 02 CCN đã đầu tư kết cấu hạ tầng và đi vào hoạt động.
Trong các KCN, CCN của tỉnh có 171 doanh nghiệp hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh (91 doanh nghiệp FDI, 80 doanh nghiệp dân doanh). Trong đó, có 138 doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động ổn định (72 doanh nghiệp FDI, 01 doanh nghiệp Nhà nước, 65 doanh nghiệp dân doanh); 06 doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng đầu tư, dừng sản xuất chuyển nhượng dự án, tài sản; 27 doanh nghiệp đang đầu tư, xây dựng cơ bản, lắp đặt máy móc thiết bị.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH YI Da Việt Nam trong KCN Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ)

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2021, tổng số lao động trong các KCN, CCN là 47.480 người, bao gồm: KCN Thụy Vân 28.000 người, KCN Phú Hà 14.160 người, KCN Trung Hà 1.115 người, KCN Cẩm Khê 1.180 người, CCN Đồng Lạng 2.025 người và CCN Bạch Hạc 1.000 người. Trong đó, lao động làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước có 64 người, doanh nghiệp dân doanh 8.540 người và doanh nghiệp FDI là 38,876 người.
Tại thời điểm cuối tháng 10/2021, tổng số lao động trong các KCN, CCN ở Phú Thọ đã tăng 2.070 người do một số doanh FDI mở rộng sản xuất, tìm kiếm thêm được nhiều đơn hàng mới, chủ yếu ở các lĩnh vực điện tử và may mặc (Công ty LeeHo Vina, Majestic Fashion, JNTC Vina, JH Vina, HanYang Digitech, Innochips Vina, Innovation tương lai…). Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp dân doanh, số lượng lao động lại có xu hướng giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh và do các yếu tố khác nhau nhưng lượng giảm không đáng kể.
Hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát tại tỉnh Phú Thọ, nhiều người lao động sinh sống trong vùng phong tỏa (khoảng 2.000 người) và hàng ngàn người thuộc các đối tượng liên quan phải thực hiện cách ly đã khiến cho số lao động trong KCN, CCN bị thiếu hụt khoảng 4.000 lao động. Các doanh nghiệp có các ca F0 phải tạm dừng sản xuất để thực hiện cách ly y tế (F1, F2), khoanh vùng và thu hẹp sản xuất để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong thời hạn ngắn (từ 01 đến 03 tháng) để duy trì, ổn định sản xuất đúng tiến độ.
Qua tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN, CCN, cuối năm 2021 và năm 2022 sẽ cần khoảng 4.000 người. Trong đó, lao động có chuyên môn kỹ thuật khoảng 800 người, lao động phổ thông khoảng 3.200 người. Nhu cầu lao động theo các ngành gồm: điện tử 55%, may mặc 34%, bao bì vải bạt 5%; các ngành nghề khác như: chế biến gỗ, vật liệu xây dựng khoảng 6%.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phú Thọ đã đề ra các mục tiêu cụ thể như: bình quân mỗi năm tạo việc làm tăng thêm từ 15 - 16 nghìn lao động; đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%); giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 0,4%/năm; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Chính vì vậy, hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực, thu hút các dự án, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển các KCN, CCN, từ đó mở rộng thị trường việc làm cho lao động. Bên cạnh các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông, Hạ Hoà, Phù Ninh. Đây sẽ là nơi thu hút và giải quyết việc làm rất lớn cho người lao động ở các địa phương trong tỉnh.

Lê Việt

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật