Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Phú Thọ tập trung thực hiện chính sách lao động – việc làm - tiền lương
06:31 PM 24/09/2021
(LĐXH)-Dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian qua đã làm cho nhiều lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, đặc biệt khó khăn tìm kiếm việc làm mới. Trước tình hình này, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực đề ra các giải pháp khắc phục như đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp chặt chẽ, khoa học với các cơ sở đào tạo nghề tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi đăng ký học nghề; đa dạng thông tin cho người lao động và doanh nghiệp nắm rõ, giải quyết chế độ thất nghiệp kịp thời để người lao động ổn định cuộc sống.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ đã tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền về chính sách giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động năm 2021 cho gần 1.000 cán bộ giáo viên, học sinh tại Trường THPT Long Châu Sa và THPT Lâm Thao huyện Lâm Thao.

Ngành đã tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động, triển khai thu thập, cập nhật thông tin cung - cầu lao động năm 2021 làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp. Thẩm định hồ sơ pháp lý 18 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng tổ chức 08 phiên giao dịch việc làm (07 phiên định kỳ tại Trung tâm và 01 phiên lưu động tại huyện Thanh Sơn), tư vấn cho 17.370 lượt người (đạt 57,9% kế hoạch năm), giới thiệu việc làm trong nước cho 362 người (đạt 51,7% kế hoạch năm). Thực hiện tốt công tác khai thác, thu thập, xử lí thông tin thị trường, tư vấn cho lao động thất nghiệp, tư vấn học nghề, tạo nguồn xuất khẩu lao động.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo việc làm cho người lao động. Tổng số lao động có việc làm tăng thêm toàn tỉnh là 9.536 người (đạt 62% kế hoạch năm, bằng 153% so với cùng kỳ), xuất khẩu lao động là 936 người (đạt 37% kế hoạch năm, bằng 121% so với cùng kỳ). Cho vay 214 dự án từ Quỹ quốc gia về việc làm, đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 318 người, vốn cho vay đạt 15.272 triệu đồng, qua đó góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị mức 3,78%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70,3%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%. Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được thực hiện nghiêm túc: thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 2.339 người với số tiền 37.755.780.000 đồng. Số người hưởng chế độ BHTN được hỗ trợ học nghề: 63 người với số tiền hỗ trợ là 219 triệu đồng.

Phú Thọ luôn tạo điều kiện cho người lao động tham gia gia xuất khẩu lao động

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, tỉnh Phú Thọ cũng quản lý chặt chẽ đối với lao động là người nước ngoài. Trong những tháng đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã phối hợp với Cục Việc làm tổ chức Hội nghị Tập huấn thực hiện Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cho 120 doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngành đã thẩm định và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài của 38 doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu với 58 vị trí công việc theo uỷ quyền; Cấp 73 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài (cấp mới: 28; cấp lại: 48); gia hạn 68 giấy phép lao động.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Bộ Luật lao động 2019, đồng thời nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong thẩm định nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể chuyển từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh về ngành Lao động ‑ Thương binh và Xã hội, do vậy số lượng nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có tăng cao so với cùng kỳ, cụ thể: thẩm định và ra thông báo xác nhận nội quy lao động đối với 185 doanh nghiệp (bằng 560% so với cùng kỳ); Tiếp nhận và ra thông báo thương lượng, ký kết lại thỏa ước lao động tập thể của 106 doanh nghiệp (bằng 168% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã khẩn trương tổng hợp, báo cáo tình hình giải quyết 03 cuộc ngừng việc tập thể với 1.500 người lao động tham gia về nợ tiền lương, thưởng và thanh toán BHXH đối với công ty TNHH Alim Global - Cụm CN làng nghề Hoàng Xá - Thanh Thủy; Công ty TNHH DaeSeung Vina - Cụm công nghiệp Đồng Lạng - Phù Ninh; Công ty JC Vina, phường Hùng Vương, TX Phú Thọ.

Trong công tác tiền lương và bảo hiểm xã hội, ngay từ những ngày đầu năm 2021, tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động theo dõi, nắm tình hình lương, thưởng Tết của người lao động tại các doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động về quê ăn Tết cùng gia đình. Xây dựng phương án lương tối thiểu vùng năm 2021. Sở đồng thời tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương để làm cơ sở xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước do doanh nghiệp thực hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH ngày 06/11/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn các huyện, thành, thị triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID. Đến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh có 366.441 người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc: 172.000/177.552 người (đạt 96,87% so với chỉ tiêu giao); số người tham gia BHTN: 160.441/165.835 người (đạt 96,75% so với chỉ tiêu giao); Số người tham gia BHXH tự nguyện: 34.000/41.437 người (đạt 82,05% so với chỉ tiêu giao).


Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Yida Việt Nam (Cụm công nghiệp thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lao động – việc làm – tiền lương của Phú Thọ vẫn còn gặp một số khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, công tác xuất khẩu lao động chỉ đạt 37% so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại các nước và khu vực, chủ sử dụng lao động nước ngoài không tuyển chọn được lao động, một số đơn hàng đã đào tạo nhưng không xuất cảnh được. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu hụt lao động, nhất là lao động người nước ngoài có tay nghề cao do thời gian làm thủ tục nhập cảnh, cách ly y tế kéo dài ảnh hưởng đến việc nhập cảnh, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc xây dựng nội quy lao động, thương lượng ký kết lại thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp chưa đúng với quy định của pháp luật lao động; việc chấp hành pháp luật lao động chưa đầy đủ do hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nghiên cứu đầy đủ Bộ luật lao động năm 2019, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.

Trong những tháng cuối năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn Ngành và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Ngành để thực hiện mục tiêu kép ‘‘vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế’’. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm bền vững, ưu tiên phát triển thị trường lao động có thu nhập cao. Quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Triển khai công tác thu thập, cập nhật thông tin cung ‑ cầu lao động năm 2021. Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện an toàn lao động tại các doanh nghiệp và đối tượng lao động không theo hợp đồng ở các xã, phường, thị trấn.

Đồng thời, tuyên truyền, tư vấn các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thực hiện các giải pháp mở rộng diện được tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh: Theo dõi, xử lý kịp thời các tranh chấp lao động, nhằm giảm thiểu các vụ đình công của người lao động./.


Mỹ Hạnh

 

 

 

TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Đức đạt nhiều kết quả tích cực
Cơ hội việc làm cho lao động thất nghiệp tỉnh Cà Mau