Phú Thọ tăng cường kiểm tra doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
(LĐXH)- Nhờ tăng cường kiểm tra, rà soát, các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động ra nước ngoài làm việc đúng theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được thành lập là Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; 33 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang thực hiện công tác tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở các thị trường: Đài Loan, Trung Đông, Nhật Bản... tại 13/13 huyện, thành, thị (trong đó 02 doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh Phú Thọ).
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, hàng năm, tỉnh có trên 2.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung tại các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông và một thị trường khác... Lao động của tỉnh Phú Thọ đi làm việc ở nước ngoài được tiếp cận dây chuyền công nghệ, máy móc hiện đại, làm việc trực tiếp với lao động nước ngoài được học hỏi và chia sẻ về kinh nghiệm cũng như kỹ năng làm việc của lao động nước ngoài, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh về kỹ thuật sản xuất, tác phong công nghiệp và thái độ làm việc chuyên nghiệp.
Ngay từ đầu năm (tháng 3/2022), tình hình dịch bệnh Covid-19 đã dần được kiểm soát, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có lao đọng của tỉnh Phú Thọ đã hồi phục trở lại sau đại dịch. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đồng loạt triển khai thực hiện tuyển chọn lao động để cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài. Các nước tiếp nhận có nhu cầu tiếp nhận lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đã mở cửa đón lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam vào làm việc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia vào thị trường lao động ở nước ngoài.
Qua kiểm tra nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có đủ hồ sơ pháp lý; treo biển quảng cáo theo lĩnh vực hoạt động; chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động ra nước ngoài làm việc đúng theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chịu sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, chính quyền cấp huyện và các tổ chức đoàn thể. Đối với các doanh nghiệp có vi phạm (khi có phản ánh của chính quyền cơ sở, của người lao động hoặc khi có thông báo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước…), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, đồng thời có văn bản gửi các huyện, thành, thị để thông báo đến người lao động biết, không đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp vi phạm, tránh bị lừa đảo, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.
Cùng với hoạt động kiểm tra và rà soát các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn, tỉnh Phú Thọ còn đẩy mạnh công tác quản lý, theo dõi người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua báo cáo công tác quản lý, giám sát tại các huyện, thành, thị và báo cáo từ các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhìn chung lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm tương đối ổn định, đúng ngành nghề, thu nhập tốt; có ý thức chấp hành nghiêm túc pháp luật của nước sở tại, thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký kết.
Tuy nhiên, công tác này cũng còn một số người lao động do nhận thức kém, nghe bạn bè xúi giục, vì lợi ích trước mắt đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc; không về nước khi hết thời hạn hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp. Số lao động đi làm việc theo hợp đồng ở lại cư trú lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước sở tại 403 người, tập trung chủ yếu ở thị trường Hàn Quốc 402 người, Nhật Bản 01 người. Địa phương có số người vi phạm hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhiều là huyện Lâm Thao và thành phố Việt Trì.
Đối với những trường hợp lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng, Sở Lao động đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các đơn vị liên quan tại địa phương: tổ chức hội nghị tuyên truyền qua hình thức trực tiếp, trực tuyến với lãnh đạo các ban, ngành cấp xã, phường, thị trấn, trưởng khu dân cư, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã để tuyên truyền, vận động người lao động về nước tránh các rủi ro khi cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài; thực hiện niêm yết công khai danh sách lao động cư trú bất hợp pháp, lao động gần hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn đồng thời thông báo trên Đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn về quyền lợi của người lao động được hưởng khi về nước đúng thời hạn và các biện pháp xử phạt đối với lao động cư trú bất hợp pháp. Nhờ đó, trong năm 2022, tỉnh Phú Thọ không có huyện, thành, thị nằm trong danh sách tạm dừng tiếp nhận đăng ký dự thi năng lực tiếng Hàn để đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai.
Có thể thấy, nhờ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và rà soát, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận thị trường lao động mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng động hơn trong hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; nhiều doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường tiếp nhận lao động tiềm năng, bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động. Đồng thời, đầu tư nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên, cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động.
Bên cạnh đó, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Phú Thọ ngày càng tăng và đã giải quyết khá vững chắc việc làm hàng năm cho một bộ phận người lao động; lượng tiền chuyển về đã giúp cho người lao động và gia đình họ cải thiện đời sống, có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; xây dựng, sửa nhà ở, xóa đói giảm nghèo… Kết quả, trong năm 2022, toàn tỉnh Phú Thọ đã đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 2.052 người bằng 102,6 % kế hoạch năm (bằng 176,9% so với cùng kỳ).
Chí Tâm
TAG:
ở nước ngoài