Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Phú Thọ huy động nguồn lực chăm sóc người có công với cách mạng
11:15 AM 13/12/2024
(LĐXH)- Cùng với việc thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ còn tích cực huy động nguồn lực để chăm sóc tốt hơn đời sống người có công với cách mạng.
Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Phú Thọ đóng góp nhiều sức người, sức của cùng với quân và dân cả nước giành độc lập, thống nhất đất nước. Hiện nay, toàn tỉnh  có 256 ngàn người có công với cách mạng, bao gồm: trên 18.000 liệt sĩ, 295 cán bộ lão thành cách mạng, 604 cán bộ tiền khởi nghĩa; 16.239 thương binh, 5.807 bệnh binh; 10.379 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; 1.221 bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 150.000 người người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 365 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 5.273 thanh niên xung phong; 388 quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 1.482 người làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia, 105 người là công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ đã xuất ngũ, 1.427 cựu chiến binh; trên 21.000 người tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Tặng quà người có công huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Thu Hương cho biết: Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt. Trong đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được Phú Thọ triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức khảo sát tình hình đời sống của người có công để từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình. Qua đó, góp phần động viên các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công vươn lên khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, tiếp tục có những đóng góp cho cộng đồng và xã hội, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.
“Thực hiện cuộc vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Phú Thọ vận động các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh cùng thực hiện tốt công tác này để góp phần bù đắp những đau thương mất mát và cống hiến, hy sinh của các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Mỗi việc làm tốt đều thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương đối với những gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công”. Giám đốc Phạm Thị Thu Hương chia sẻ.
Đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã kiện toàn và thành lập Ban Quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh; đồng thời chỉ đạo thành lập và kiện toàn Ban quản lý quỹ cấp huyện, cấp xã trên địa bàn. Hàng năm, Ban Quản lý Quỹ các cấp thông báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, văn bản chỉ đạo của tỉnh đến các ngành, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ, nhất là vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Nhờ đó, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm duy trì, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng.
Kết quả, trong 02 năm (2022 – 2023), Phú Thọ vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ở cả 3 cấp đạt hơn 9,7 tỷ đồng. Từ số tiền vận động ở các cấp, sự hỗ trợ của Trung ương, đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, của cộng đồng dân cư, gia đình và các nhà hảo tâm, toàn tỉnh đã tiến hành hỗ trợ xây mới 38 nhà tình nghĩa, sửa chữa 26 nhà tình nghĩa; hỗ trợ 979 ngày công lao động để giúp đỡ các gia đình chính sách sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa; hỗ trợ khác đối với người có công, tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ở cả 3 cấp đạt trên 5,1 tỷ đồng. Từ số tiền vận động, tỉnh đã tiến hành hỗ trợ xây mới 10 nhà tình nghĩa với kinh phí 670 triệu đồng; sửa chữa 04 nhà tình nghĩa với kinh phí 55 triệu đồng; hỗ trợ 765 ngày công lao động để giúp đỡ các gia đình chính sách sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa; hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão Yagi trị giá 191 triệu đồng; tổ chức xây dựng, sửa chữa nghĩa trang, đài tưởng niệm và các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh với kinh phí 12,35 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ).
Có thể khẳng định, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ở Phú Thọ đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng. Đến nay, hầu hết gia đình người có công đều có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống người dân nơi cư trú; 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến hết đời; 100% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh liệt sĩ.

Chí Tâm

TAG: nguồn lực. chăm sóc
Tin khác
Phú Thọ đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Yên Bái đảm bảo cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nga: Từ tuổi thơ cơ cực đến doanh nhân thành đạt với tấm lòng nhân hậu
Ghi nhận trong công tác tìm kiếm, qui tập, xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin ở Quảng Trị
Nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương Giao Thủy
Đề án 06 và “Ngân hàng ADN” góp phần nâng cao hiệu quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ
Nam Định: Phát huy hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Vinh danh 24 tác phẩm báo chí về bình đẳng giới năm 2024
Đắk Nông: Năm 2025 phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% trở lên