Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Phòng, chống ma túy trong cộng đồng: Từ các góc nhìn đến quan điểm
02:50 PM 15/02/2021
Trước tình hình xuất hiện nhiều loại ma túy mới trên thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội, một số chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp căn cơ, bền vững để thay đổi căn bản ứng phó với phòng, chống ma túy trong cộng đồng.
Ảnh Internet

Cần làm rõ quan điểm về người nghiện ma túy

Theo BS. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), từ việc nhìn nhận các quan điểm về thực chất, người nghiện là bệnh nhân hay tệ nạn, nên điều trị nghiện hay cai nghiện, việc quản lý người sử dụng ma túy hay những chia sẻ của cộng đồng về vấn đề này, chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi và nghiên cứu.

Đối với quan điểm về người nghiện ma túy, cần phải làm rõ quan điểm, cách tiếp cận về người nghiện. Nếu coi họ là người bệnh thì phải điều trị. Nếu coi họ là tệ nạn xã hội thì phải áp dụng các biện pháp xử phạt. Do đó, hầu hết các chuyên gia đều thấy rằng người nghiện ma túy là người bệnh.

Ý kiến của PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng: “Nghiện ma túy là người bệnh mãn tính và trong nghị định 90 năm 2016 đã quy định điều này”. Trong khi đó, bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tại Việt Nam khẳng định: “Hiện nay cả thế giới và Việt Nam đã công nhận rối loạn do sử dụng ma túy là một vấn đề về sức khỏe”.

Đối với quan điểm về cai nghiện hay điều trị nghiện: Qua thực tiễn, cai nghiện tức là hướng đến người nghiện sẽ hoàn toàn dừng sử dụng ma túy. Đưa ra mục tiêu cai nghiện, như vậy theo ý kiến của một số chuyên gia thì Việt Nam vẫn cần phải đẩy mạnh công tác này. Nhiều chuyên gia cho rằng nên đưa thêm quan điểm về điều trị nghiện vào luật. Dựa trên quan điểm này, các chuyên gia đề xuất bổ sung khái niệm “Điều trị nghiện” vào dự thảo luật.

Bàn về quan điểm trẻ em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy, hầu hết các chuyên gia đều nhất trí là không nên áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính bằng cách đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà cần tạo điều kiện để các em được tiếp cận các dịch vụ tại cộng đồng. Một số chuyên gia đưa ra ý kiến là quãng tuổi này nên được tách ra: Từ đủ 12 đến 16 tuổi, từ 16 đến dưới 18 tuổi. Việc cai nghiện tại cộng đồng cho đối tượng này cần phải quy định cụ thể và khả thi.

Cho ý kiến về quan điểm quản lý người sử dụng ma túy, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp đã nhắc đến biện pháp quản lý người sư dụng ma túy bằng cách giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong dự thảo Luật Xử lý Vi phạm Hành chính. Trong khi đó, Trung tá Hoàng Văn Hiều, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cũng đã trình bày dự thảo Luật Phòng, chống ma túy, trong đó tập trung vào biện pháp quản lý hành chính với người sử dụng ma túy. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng để quản lý người sử dụng ma túy, cần có các biện pháp chuyên môn để người sử dụng ma túy không trở thành rối loạn sử dụng ma túy/ nghiện ma túy.

Coi quản lý người sử dụng ma túy như một biện pháp dự phòng nghiện ma túy và cần áp dụng các biện pháp chuyên môn và đầu tư nguồn lực cho biện pháp này, BS. Khuất Thị Hải Oanh khuyến nghị các cơ quan chức năng nên áp dụng hướng dẫn về dự phòng sử dụng ma túy của Liên Hợp Quốc.

Nên coi biện pháp cai nghiện là tự nguyện hay bắt buộc?

Ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, cả hai biện pháp trên đều có hiệu quả thấp nhưng chưa dự thảo cụ thể. Theo ông Thành, Luật Xử lý vi phạm hành chính cần quy định cụ thể hơn để xử lý vấn đề cai nghiện tự nguyện và bắt buộc chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đầu tư chuyên môn về cai nghiện tại cộng đồng và giao cho chủ tịch UBND cấp huyện để tổ chức cai nghiện tại cộng đồng.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đưa ra quy định cụ thể và tham khảo ý kiến chuyên môn của UNAIDS, bảo đảm về cơ sở vật chất, nguồn lực, con người để bảo đảm hiệu quả của biện pháp cai nghiện tại cộng đồng. 

Về cai nghiện bắt buộc, nhiều chuyên gia ý kiến, cần phân loại người nghiện ma túy để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chứ không áp dụng rập khuôn như dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính là người nghiện ma túy trên 18 tuổi thì đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhiều chuyên gia cho rằng, người nghiện ma túy nếu đang tham gia điều trị nghiện ma túy tự nguyện, tuân thủ điều trị và không bị cơ sở điều trị từ chối thì không phải đi cai nghiện bắt buộc. Thời gian của cai nghiện bắt buộc đang quy định trong Luật Xử lý Vi phạm Hành chính là 12 - 24 tháng. Tuy nhiên, đại diện UNAIDS cho rằng thời gian can thiệp nội trú chỉ nên trong 3 tháng. 

Cho ý kiến về cai nghiện bắt buộc, dại diện của UNAIDS và Trung tâm SCDI đều đồng tình khuyến báo bỏ biện pháp cai nghiện bắt buộc, bởi biện pháp này được chứng minh là không hiệu quả và vi phạm các quyền quan trọng của người nghiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam khi biện pháp này chưa thể bỏ được, các chuyên gia và đại diện của Liên Hợp Quốc đề nghị xem xét các thủ tục đưa vào cai nghiện bắt buộc cần phải minh bạch, bảo đảm quyền lợi của đối tượng khi dự thảo luật xử lý vi phạm hành chính để không hạn chế quyền của người nghiện, giữ như luật hiện hành.

Bà Marie-Odile Emond cho ý kiến, Luật đã có quy định về cai nghiện tự nguyện thì cần phải có đầu tư cho các cơ sở cai nghiện dân lập, chế độ hỗ trợ cho người nghiện ma túy. Về hiệu quả chi phí cai nghiện, đại diện cơ quan UNAIDS đã cho rằng 1 USD đầu tư cho giảm hại ở Australia sẽ giúp tiết kiệm được 5,50 USD cho chi phí chăm sóc sức khỏe.

Về biện pháp chuyên môn của điều trị nghiện, hiện chưa có trong dự thảo của Luật ma túy, bà Marie-Odile Emond đề xuất nghiên cứu để quy định các biện pháp chuyên môn của điều trị nghiện. Theo bà cần có các nguyên tắc chuyên môn về dịch vụ điều trị nghiện dựa trên bằng chứng, đạo đức, đặc thù về giới và các nhóm đối tượng, phối hợp với tư pháp hành sự và dịch vụ y tế xã hội (bảo đảm người bị giam giữ vẫn được duy trì điều trị), tiếp cận lồng ghép với các dịch vụ bổ trợ khác…

Tống Nam
TAG:
Tin khác
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
Hải Hậu triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Nam Định nỗ lực giảm nghèo bền vững
Ninh Bình: Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống mua bán người
Quảng Ninh tích cực vận động nguồn lực xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội từ 25/12