Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0
08:19 AM 29/10/2020
(LĐXH)- Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2030 đang được Việt Nam xây dựng với việc tập trung vào Phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0. Đưa nhân lực Việt Nam thực sự trở thành nền tảng và yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội…
Đây là một trong những thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 lần thứ 11 theo hình thức trực tuyến được diễn ra vào chiều ngày 28/10/2020.
Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) lần thứ 26 và Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 (ALMM+3) do bà Ida Fauziyah – Bộ trưởng Bộ Nhân lực Indonesia, chủ trì với sự tham dự của các Bộ trưởng phụ trách lao động các nước thành viên, Tổng thư ký ASEAN và đại biểu các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung làm trưởng đoàn Việt Nam.
Chủ động thích ứng tương lai việc làm
Với chủ đề “Thúc đẩy tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt của người lao động ASEAN trong tương lai việc làm”, các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN+3 (ALMM+3) lần thứ 11 cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và nêu ý tưởng để nâng cao tính cạnh tranh, sự kiên cường và linh hoạt của người lao động Asean trong việc tận dụng lợi thế của các cơ hội cũng như biết vượt qua những thách thức về việc làm trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung, Trưởng đoàn Việt Nam chủ trì tại điểm cầu Hà Nội
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động TBXH Đào Ngọc Dung, cho biết: Thế giới đang trải qua những biến đổi to lớn trong đó phải kể đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong 10 - 15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Tỷ lệ này ở ASEAN sẽ còn cao hơn. Theo nghiên cứu của Tổ chức ILO, ở 5 nước ASEAN dự báo 56% việc làm có thể bị ảnh hưởng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới. Ngoài ra, thế giới việc làm cũng đang có những sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của biến đổi khí hậu, xã hội đang già hóa, dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch Covid-19. Đại dịch này đã tác động tới 2,7 tỷ người lao động, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới. Cũng theo báo cáo gần đây của Tổ chức ILO, trong quý III/2020, ước tính có 30 triệu giờ làm việc toàn phần bị mất trong khu vực Đông Nam Á...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng: Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với việc làm và phúc lợi của người lao động trong khu vực thúc giục các thành viên Asean phải hợp tác hiệu quả hơn. Cùng với đó là chuẩn bị cho người lao động trong khu vực có thể trở lại với công việc một cách an toàn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có bài phát biểu quan trọng trước Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3
Từ những thách thức và cơ hội việc làm cho người lao động, các đại biểu dự hội nghị nhất trí cùng nhau tiếp tục củng cố các chính sách thị trường lao động tích cực để kích thích việc làm và nâng cao các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động trong khu vực; đồng thời bày tỏ cam kết đối với việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nước ASEAN với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản để nâng cao sự linh hoạt và kiên cường của lực lượng lao động, chuẩn bị cho những khủng hoảng kinh tế - xã hội trong tương lai.
Ông Lee Jae – Kap, Bộ trưởng Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc, cho biết: Hàn Quốc đánh giá cao chiến lược của ASEAN trong việc xây dựng phát triển lấy con người làm trung tâm. Đặc biệt là chủ đề nói về việc thúc đẩy cạnh tranh chủ động thích ứng trong tương lai việc làm, thì vấn đề đảm bảo cạnh tranh thích ứng được với những yêu cầu mới, những yêu cầu về công nghệ mới rất quan trọng. Như vậy, rõ ràng đây là thời điểm mà các nước ASEAN cần phải hợp tác về mặt chính sách cũng như điều phối. Hàn Quốc hy vọng hội nghị hôm nay sẽ là cơ hội để chia sẻ với chính sách thích ứng và hợp tác trong lĩnh vực lao động việc làm và có thể giúp người lao động có tương lai việc làm tốt đẹp hơn.
Việt Nam cam kết thực hiện các nỗ lực cùng ASEAN
Với vai trò Trưởng đoàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao chủ đề "Thúc đẩy tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt của người lao động ASEAN trong tương lai việc làm" vì nội dung này hoàn toàn phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Những nội dung chia sẻ về chủ đề sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng năng lực và sự chuẩn bị sẵn sàng cho nguồn nhân lực ASEAN nhằm giúp họ có thể tiếp tục công việc của mình và ứng phó kịp thời, hiệu quả trước những thay đổi của thế giới công việc.
Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 tại các điểm cầu (ảnh chụp màn hình)
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược về phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020. Sau 10 năm thực hiện, một số kết quả đạt được có thể kể tới như: hệ thống luật pháp, chính sách trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lao động- việc làm và khoa học, công nghệ được hoàn thiện tương đối đồng bộ; tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng hoặc chứng chỉ tăng từ 15,58% năm 2011 lên 24 % năm 2019 và ước tính đạt mục tiêu 25% vào năm 2020; tốc độ tăng năng suất lao động khá cao, bình quân đạt 4,87%/năm trong giai đoạn 2011 - 2019 tính theo sức mua tương đương PPP; một số chỉ số nhân lực của Việt Nam cũng đạt thứ hạng cao trong khu vực như chỉ số vốn nhân lực, chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số phát triển con người.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2030 đang được Việt Nam xây dựng với việc tập trung vào Phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược giai đoạn này là “Phát triển nhân lực Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của 4.0 và hội nhập quốc tế, đưa nhân lực Việt Nam thực sự trở thành nền tảng và yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.
“Việt Nam cam kết thực hiện các nỗ lực cùng ASEAN nhằm thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay, Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh vì sự công bằng và tăng trưởng bao trùm, Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về tương lai việc làm. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn sự hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và ASEAN+3 sẽ không ngừng được thúc đẩy hướng tới xây dựng một lực lượng lao động ASEAN mang tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt trong tương lai việc” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ghi nhận các Tuyên bố được thông qua bao gồm: Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay; Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về tương lai việc làm: áp dụng công nghệ hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững; Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh hướng tới công bằng và tăng trưởng bao trùm, Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư; Tuyên bố Viêng Chăn về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm thỏa đáng trong ASEAN; Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững. 
Ông Lee Jae – Kap, Bộ trưởng Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc phát biểu đánh giá cao chủ đề của Hội nghị
Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn đánh giá cao việc xây dựng và thông qua các Tuyên bố trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN, tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động. Ngoài ra, những văn kiện này sẽ làm cơ sở cho ASEAN nói chung và mỗi quốc gia thành viên ASEAN tham khảo, lồng ghép các hoạt động vào chính sách của mình theo hướng phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, nỗ lực hướng tới một xã hội hòa nhập và công bằng. Đồng thời, thông qua kế hoạch công tác giai đoạn 2021 - 2025 trong kênh lao động bao gồm: Chương trình làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN; Kế hoạch công tác của Nhóm công tác về các điển hình lao động tiên tiến trong ASEAN (SLOM-WG); Kế hoạch công tác của Nhóm công tác về An toàn vệ sinh lao động, Kế hoạch hành động của Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư. 
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các nước thành viên triển khai cụ thể các hoạt động và dự án trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đã thông qua một số văn kiện để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã Hội nghị ALMM lần thứ 27 sẽ được tổ chức tại Phi-líp-pin vào năm 2022.

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật