Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Đan Phượng
(LĐXH) Để triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Chỉ thị 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Huyện ủy Đan Phượng đã quán triệt các cấp ủy, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận tổ quốc, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt với sự quyết tâm và nỗ lực cao.
Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Cùng với thực hiện Chỉ thị 40 thì trong 6 năm qua cũng là thời gian huyện Đan Phượng đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và hai nhiệm vụ này đã hỗ trợ nhau rất tốt. Bởi khi làm tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội thì nguồn vốn này giúp người dân sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, đáp ứng các tiêu chí về nông thôn mới. Sau khi được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, đến nay Đan Phượng vẫn tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này nguồn vốn ngân hàng nói chung và tín dụng ưu đãi vẫn mang ý nghĩa rất quan trọng.
Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 40, theo ông Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, là phải tập trung huy động nguồn lực ủy thác vốn cho NHCSXH; Chỉ đạo kiện toàn Ban đại diện HĐQT, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã tham gia trong Ban này để nắm sát tình hình địa phương, cho vay vốn đúng đối tượng; UBND huyện chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ưu tiên công tác đào tạo nghề cho khu vực nông thôn để khi nông dân tiếp cận được nguồn vốn sẽ biết cách sản xuất, kinh doanh, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Ngoài ra, để tín dụng chính sách xã hội mang lại hiệu quả không thể không kể đến việc kiện toàn các Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Với 246 Tổ TK&VV, hoạt động ở tất cả các xã, luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn; hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật, làm tốt công tác tuyên truyền. Sau 6 năm triển khai Chỉ thị 40 đã giúp cho hơn 5.000 lượt hộ gia đình ở Đan Phượng thoát nghèo và không có nợ quá hạn.
Ông Nguyễn Hữu Bằng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đan Phượng cho biết, xác định tín dụng chính sách là công cụ, giải pháp quan trọng góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hạn chế tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển nông thôn mới, Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH. Hàng năm huyện đã trích ngân sách huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, nguồn vốn ủy thác của huyện sang NHCSXH là 5,5 tỷ đồng, huyện còn cấp 930 m2 đất để NHCSXH huyện xây dựng trụ sở làm việc và chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ trang thiết bị, bố trí địa điểm cho hoạt động giao dịch lưu động của NHCSXH huyện, đảm bảo an toàn, đúng quy định.
Từ đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đan Phượng đã chủ động bám sát và nghiêm túc thực hiện tốt các chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ngân hàng Chính sách thành phố Hà Nội để triển khai nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao và đạt được những kết quả khả quan trên các mặt hoạt động.
Tính đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn NHCSXH huyện Đan Phượng quản lý đạt 352,9 tỷ đồng, tăng 48,9 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 267,6 tỷ đồng; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân đạt 46,6 tỷ đồng; tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn đạt 10,8 tỷ đồng; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 5,5 tỷ đồng, tăng 0,9 tỷ đồng. Phòng giao dịch NHCSXH huyện đang cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt 338,2 tỷ đồng, tăng 48,2 tỷ đồng so với cuối năm 2019, với 8.980 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Công tác cho vay, thu nợ thu lãi chủ yếu được ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội thông qua 246 Tổ TK&VV và được triển khai ở các điểm giao dịch cố định đặt tại 16 xã, thị trấn. Qua đó, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 3.827 lao động; xây dựng 1.998 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn…
Công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tính đến ngày 30/6, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục duy trì là đơn vị 3 năm liền không có dư nợ quá hạn. Các Tổ Tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được củng cố và kiện toàn 246/246 tổ xếp loại tốt và khá, không có tổ xếp loại trung bình, yếu.
Hiệu quả vốn tín dụng chính sách ở cơ sở
Các tổ chức hội, đoàn thể cũng luôn quan tâm đến hoạt động của NHCSXH huyện, tích cực chỉ đạo hội, đoàn thể cấp xã, thị trấn phối hợp với NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn, thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác và hoạt động của Tổ TK&VV.
Theo đánh giá của các hội, đoàn thể huyện Đan Phượng, việc triển khai cho vay vốn ưu đãi đã góp phần giúp cho huyện có bước phát triển tích cực về kinh tế - xã hội. Từ khi có tín dụng ưu đãi, trật tự an toàn xã hội ở huyện ngày một tốt lên, tình cảm giữa hội viên, tổ chức chính trị xã hội ngày càng gắn bó hơn, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.
Tính đến đầu tháng 9, xã Thượng Mỗ đang thực hiện 7 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 27 tỷ 582 triệu đồng, tạo điều kiện cho 765 đối tượng vay vốn. Để quản lý và giúp các đối tượng vay vốn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, UBND xã giao cho các hội, đoàn thể nhận ủy thác giao chỉ tiêu xuống các thôn và cùng các Tổ TK&VV bình xét cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tín dụng chính sách để người dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định. Mặt khác, xã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện triển khai nhiều biện pháp, nhất là cải tiến thủ tục vay vốn ưu đãi giúp đồng vốn được giải ngân đúng đối tượng, nhanh chóng, thuận lợi; quản lý, giám sát việc sử dụng vốn vay; hướng dẫn tổ trưởng Tổ TK&VV về nghiệp vụ vay vốn…
Hội Cựu chiến binh xã Thượng Mỗ là một trong 4 Hội đoàn thể của xã đứng ra uỷ thác vay vốn của NHCSXH huyện để giúp hội viên phát triển kinh tế, và là hội có số dư cao nhất huyện. Ông Nguyễn Sông Thao - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: Tính đến đầu tháng 9/2020, số dư của Hội đang quản lý là 8 tỷ 554 triệu đồng cho 276 hội viên vay vốn thông qua 7 Tổ tín chấp, tăng 1,1 tỷ đồng so với đầu năm 2020. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội nên đời sống của hội viên ngày càng được nâng cao, hiện nay Hội không có hội viên thuộc diện hộ nghèo; không có hội viên có nhà ở dột nát.
vươn lên thoát nghèo
Nguồn vốn trên của Hội vay thông qua 5 chương trình ưu đãi của NHCSXH huyện, đó là, chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường; chương trình giải quyết việc làm; chương trình học sinh, sinh viên; chương trình hộ thoát nghèo và chương trình nhà ở xã hội. Trong đó chương trình giải quyết việc làm có số dư cao nhất. Với số vốn được vay, hội viên Hội CCB xã đầu tư vào phát triển vườn trại, đổ đất ở những vùng trũng để trồng bưởi; đầu tư chăm sóc cây bưởi Tôm vàng; một số hộ đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất cây trồng - vật nuôi. Để đồng vốn sử dụng đúng mục đích, sau một tháng giải ngân Ban Thường vụ Hội xuống từng hộ vay vốn kiểm tra thực tế.
Xã Song Phượng - xã kiểu mẫu xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng được nhiều đoàn từ Bắc đến Nam về học hỏi có thể coi là một trong những nơi thể hiện rõ nét hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ở nơi đây.
Ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết, chúng tôi rất vinh dự là xã được thành phố chọn làm nông thôn mới điển hình và đến nay rất thành công. Để đạt được tiêu chí nâng cao đời sống nhân dân, sự hỗ trợ từ nguồn vốn NHCSXH có vai trò quan trọng.
Theo ông Hoàn, ngoài các chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo giúp người dân có vốn để trồng trọt chăn nuôi thì các chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh sinh viên cũng rất thiết thực, giúp nâng cao đời sống người dân. Đến nay, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tại xã Song Phượng đạt hơn 16 tỷ đồng. Ngoài các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hộ gia đình, nguồn vốn của ngân hàng còn thúc đẩy hình thành các dự án chuyên canh cây ăn quả, dự án chăn nuôi do các hội, đoàn thể đứng lên tập hợp, kết nối.
Đơn cử như ở thôn Thượng Thuận, xã Song Phượng nhiều gia đình đã chọn mô hình trồng cây ăn quả để tăng thu nhập, nâng cao đời sống, nhờ sự hỗ trợ vốn ưu đãi của NHCSXH. Ông Nguyễn Văn Cường, thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng cho biết, năm 2016 gia đình ông được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để phát triển vườn cây ăn quả. Qua nhiều lần mở rộng diện tích, đến nay gia đình ông Cường đang sở hữu 4 sào bưởi Diễn với hơn 100 gốc. Xen giữa vườn bưởi ông còn trồng thêm ổi, mít và đào ao nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Những tháng cuối năm 2020, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đan Phượng đề ra mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị; tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn; tập trung huy động các nguồn vốn; thực hiện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế của huyện để phát huy hơn nữa hiệu quả vốn tín dụng chính sách./.
Đặng Thị Thảo Lan
TAG: