Những vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách về giáo dục và chăm sóc y tế đối với người khuyết tật
(LĐXH) Công tác giáo dục hòa nhập và chăm sóc y tế, phục hồi chức năng cho người khuyết tật (NKT) đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện, song trên thực tế vẫn còn những rào cản làm ảnh hưởng đến quyền được học tập và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của NKT.
Nhiều bất cập ảnh hưởng đến quyền học tập của người khuyết tật
Thực hiện Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác giáo dục hòa nhập đối với NKT đã được quan tâm thực hiện, các chương trình giáo dục hòa nhập các cấp được xây dựng, ban hành, tạo điều kiện cho NKT, đặc biệt là trẻ em khuyết tật có cơ hội tiếp cận giáo dục. Đến nay, Việt Nam đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh ở trên 20 tỉnh, thành phố; đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật. Các cơ sở này triển khai giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp học phổ thông. Số trẻ khuyết tật được đi học ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua . Theo số liệu Điều tra quốc gia về người khuyết tật, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật khoảng 88,7%, trung học phổ thông là 33,6%.
Hiện nay cả nước có 4 trường Đại học sư phạm và 3 trường Cao đẳng sư phạm thành lập khoa Giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Hằng năm, các trường này đào tạo được gần 600 giáo viên dạy trẻ khuyết tật; tập huấn giáo dục hòa nhập cho 600 - 700 cán bộ quản lý và từ 2.000 - 2.500 giáo viên mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông cốt cán của 63 tỉnh/thành phố về nghiệp vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật để những người này tiến hành tập huấn, hướng dẫn cho những giáo viên tại các địa phương về giáo dục hòa nhập, tiếp tục phát triển mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong cả nước.
Mặc dù Luật Người khuyết tật qui định về giáo dục hòa nhập và xác định đó là mô hình giáo dục chính cho NKT, tuy nhiên cũng còn những rào cản nhất định trong thực tế làm ảnh hưởng đến quyền học tập của NKT như nhiều cơ sở giáo dục không có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính, chữ nổi cho người khiếm thị hay hệ thống cơ sở vật chất tiếp cận cho NKT như lối đi, nhà vệ sinh mà người sử dụng xe lăn có thể sử dụng được. Đặc biệt là ở khu vực nông thôn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, số trẻ khuyết tật ở những khu vực này thường ở trong các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, do đó sự tham gia giáo dục càng khó khăn hơn.
Theo báo cáo điều tra đánh giá về hỗ trợ đối với NKT 2012 - 2020, cứ 100 trường học chỉ có 3 trường có thiết kế phù hợp (2,9%), 8 trường có lối đi dành cho NKT (8,1%) và 10 trường có công trình vệ sinh phù hợp với trẻ khuyết tật (9,9%). Hầu hết các trường chưa thực hiện các điều chỉnh hợp lý về cơ sở vật chất do thiếu kinh phí, cũng như thiếu sự kiểm tra, giám sát và chế tài. Cứ 7 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở thì mới có 1 người được đào tạo để giảng dạy cho học sinh khuyết tật (14,1%). Việc thiếu tài liệu và thiết bị hỗ trợ cũng là một trong những rào cản lớn đối với NKT trong giáo dục hòa nhập. Đặc biệt hiện nay sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông đang được chỉnh sửa, bổ sung nên NKT còn thiếu học liệu. Hơn nữa, chi phí cho việc phát hành các tài liệu, học liệu (như chữ nổi) rất cao nên đây cũng là một trong những thách thức của việc đảm bảo tiếp cận về tài liệu và chương trình đào tạo cho NKT.
Chương trình giáo dục hòa nhập yêu cầu các trường phải có kế hoạch cá nhân để miễn giảm một số môn cho NKT nhưng hiện nay mới chỉ có chương trình giáo dục chuyên biệt cho học sinh tiểu học, chưa có cho hệ phổ thông. Những rào cản này cho thấy quyền của NKT được qui định tại Điều 27, 29 và 30 của Luật NKT chưa được bảo đảm thực hiện hiệu quả.
Điều trị phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật
Rào cản trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật
Về chăm sóc y tế và phục hồi chức năng (PHCN) cho NKT, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn PHCN dựa vào cộng đồng và hướng dẫn phát hiện, can thiệp sớm đối với trẻ em khuyết tật. Giai đoạn 2012 - 2015 đã đưa các hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Đồng thời, đã triển khai dự án PHCN dựa vào cộng đồng cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin.
Các văn bản qui định cụ thể về trách nhiệm quản lý và chăm sóc sức khỏe NKT tại cộng đồng của Trạm y tế xã bao gồm trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho NKT của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, PHCN. Trạm y tế xã phải lập danh sách NKT và phân loại theo các nhóm khuyết tật (vận động, nghe nói, nhìn, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, động kinh, mất cảm giác, tàn tật khác). Trạm y tế xã có trách nhiệm cung cấp các thông tin như tiếp cận dịch vụ PHCN, địa điểm, loại hình PHCN, mức độ và kết quả, các dụng cụ hỗ trợ và cập nhật sự thay đổi về thông tin (chỗ ở, mức độ khuyết tật, loại hình PHCN...). Các trạm y tế xã có trách nhiệm phân công cán bộ theo dõi và chăm sóc sức khỏe NKT; có sổ theo dõi NKT; hằng năm NKT được thăm khám định kỳ một năm/lần.
Hiện nay cả nước có 63 bệnh viện PHCN, trung tâm PHCN, trong đó có 1 bệnh viện PHCN tuyến trung ương và 62 bệnh viện PHCN, trung tâm PHCN thuộc tuyến tỉnh, thành phố; 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa PHCN (80 khoa PHCN). Có 90% khoa Y học cổ truyền - PHCN ở tuyến huyện; có khoảng 25% số xã có thực hiện dịch vụ PHCN tại xã. Các trạm y tế xã chỉ làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe NKT và PHCN dựa vào cộng đồng. Ngoài ra còn có đội ngũ y tế thôn bản va cộng tác viên về PHCN hướng dẫn luyện tập, PHCN cho NKT tại cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có các tiêu chí đánh giá toàn diện về “tiếp cận” trong dịch vụ chăm sóc y tế cho NKT. Bộ Y tế đã ban hành các tiêu chí đánh giá các bệnh viện của Việt Nam, trong đó có bao gồm tiêu chuẩn tiếp cận cho người sử dụng xe lăn nhưng còn có nhiều tiêu chí về tiếp cận khác như về giao tiếp, ngôn ngữ ký hiệu... chưa được đưa vào đánh giá các cơ sở chăm sóc y tế, do đó tạo nên nhiều rào cản cho NKT tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, đánh giá việc tuân thủ Luật Người khuyết tật liên quan đến các dạng khuyết tật khác, như thiếu biển báo bằng chữ nổi Braille và phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho các chuyên gia y tế sẽ không là tiêu chí đánh giá, do đó sẽ tạo ra rào cản trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho NKT.
Thảo Lan
TAG: