Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Những nỗ lực trong giải quyết việc làm ở Lâm Thao
05:17 PM 02/05/2019
(LĐXH)- Xác định việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo mở việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững để xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội nên huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp cho công tác này và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, để công tác phát triển chất lượng nguồn nhân lực nói chung, giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả, huyện Lâm Thao đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời, chú trọng đến công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm, Phòng Lao động - TBXH, các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm của người dân. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề mở các lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp ngay tại địa phương. Quá trình triển khai thực hiện, huyện luôn coi trọng việc dạy nghề gắn với thực hành nghề, gắn đào tạo nghề với phát triển làng nghề, với các ngành trọng điểm theo quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào chương trình giảng dạy nghề nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu tiên, hỗ trợ các đối tượng là con em gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo được huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời và chính xác… 
Mô hình trồng rau an toàn ở Lâm Thao đã và đang góp phần tích cực trong giải quyết việc làm
Tiếp đến, huyện Lâm Thao còn tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực phù hợp cho doanh nghiệp. Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, huyện cũng đã củng cố, bổ sung cơ sở vật chất cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện; tạo điều kiện cho các trường nghề phát triển mạng lưới tuyển sinh trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho lực lượng lao động trẻ, khuyến khích lao động tham gia học nghề để lập nghiệp. Đặc biệt, thông qua các hội, đoàn thể như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... người lao động được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, con giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp; được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi... từ đó, phát triển những mô hình kinh tế có thu nhập cao, bền vững.
Bằng những nỗ lực trong giải quyết việc làm cho lao động với nhiều giải pháp cụ thể, nên sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở Lâm Thao tiếp tục phát triển, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có bước chuyển dịch tích cực, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Tính trung bình mỗi năm, hàng nghìn người lao động ở Lâm Thao đã được tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm. Riêng trong năm 2018, số lao động có việc làm là trên 52.000 người; trong đó, đông nhất là số lao động có việc làm trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 45,2%, nông lâm nghiệp chiếm 25%, thương mại - dịch vụ chiếm 29,8%...
Lãnh đạo huyện lâm Thao thăm mô hình rau sạch theo hướng VietGap tại xã Tứ Xã
Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên, song công tác giải quyết việc làm ở Lâm Thao vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là: Chất lượng việc làm, trình độ chuyên môn, kỹ thuật lao động còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động không cao nên việc hòa nhập vào nền kinh tế thị trường còn gặp khó khăn. Hệ thống dạy nghề, tư vấn việc làm tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng công tác đào tạo nghề chất lượng còn chưa cao, số lao động được đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề còn thấp, phần lớn là đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, do đó số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thợ lành nghề còn hạn chế. Việc chuyển đổi việc làm cho lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vì trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động thấp, công việc sau khi chuyển đổi thường là công việc giản đơn,  tính bền vững chưa cao.
Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, huyện Lâm Thao sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật