Những nỗ lực của Yên Bái trong phòng, chống mua bán người
(LĐXH)-Phòng, chống mua bán người là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay được Chính phủ hết sức quan tâm và đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thực hiện. Thời gian qua, tỉnh Yên Bái cũng tích cực đưa ra nhiều giải pháp, cụ thể hoá các chỉ đạo, chương trình, kế hoạch và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người.
Trong năm 2024, Kế hoạch số 63/KH-BCĐ ngày 06/3/2024 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Yên Bái về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 đã nêu rõ mục tiêu là: phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, kiềm chế hoạt động mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm 100% tố giác, tin báo tội phạm có liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, xử lý đúng quy định; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng vụ án khởi tố; 95% vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản pháp luật về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người nói chung, mua bán phụ nữ và trẻ em nói riêng cũng như thực trạng tình hình tội phạm mua bán người hiện nay, các thông tin hữu ích trong công tác phòng, chống mua bán người, những thủ đoạn tinh vi mà tội phạm mua bán người thường sử dụng; trách nhiệm của cơ quan chức năng, cộng đồng nhằm bảo vệ xã hội an toàn, bình yên cho nhân dân.
Ngày 30/7 hàng năm là ngày được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người bắt đầu năm 2013. Từ năm 2016, Việt Nam lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người theo Quyết định số 793 của Thủ tướng Chính phủ - một sự kiện để tất cả mọi người cùng quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ. Hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền và triển khai các hoạt động về phòng, chống mua bán người, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn. Kết quả, đã lồng ghép tổ chức được 280 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn mua bán người đến 25.137 lượt cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và người dân trên địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, cùng hành động, tuyên truyền các biện pháp phòng tránh cũng như cách xử lý khi trở thành nạn nhân của tình trạng mua bán người.
Bên cạnh đó, Sở cũng lồng ghép việc thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân trở về với việc thực hiện các Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm, các Chương trình phát triển kinh tế xã hội, dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa tại các địa phương tạo thuận lợi cho nạn nhân bị mua bán trở về tiếp cận được các dịch vụ pháp lý, y tế, giáo dục, xã hội, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Thanh tra Sở đã phối hợp với Phòng Lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp đã triển khai thanh kiểm tra tại doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài.
Trong năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh còn tích cực thực hiện Quy chế phối hợp số 377/QCPH-LĐTBXH-CA-VPUBND ngày 20/3/2023 về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đã mang lại kết quả tích cực; việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa các sở, ngành được diễn ra thường xuyên.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, tính đến cuối tháng 10 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có nạn nhân bị mua bán trở về. Nhìn chung, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực chủ động và kịp thời tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức và triển khai các nội dung, nhiệm vụ về công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn; phối hợp với các ngành có liên quan để thực hiện tốt các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo và tỉnh giao. Tỉnh đã có bộ máy triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về từ cấp tỉnh đến cấp xã. Có cơ chế chính sách cụ thể để thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm giúp họ tái hoà nhập với cộng đồng.
Để tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống mua bán người hiệu quả, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nội dung chương trình, kế hoạch phòng, chống tệ nạn mua bán người và tuyên truyền quảng bá đường dây nóng phòng, chống mua bán người 111, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đôn đốc, lập hồ sơ chế độ báo cáo, cập nhật thông tin định kỳ để hỗ trợ nạn nhân ngay sau khi trở về. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc xác định số nạn nhân được giải cứu và nạn nhân trở về không qua tiếp nhận để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nạn nhân. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân qua số điện thoại 18001776 và nhà tạm lánh đặt tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội./.
Mỹ Hạnh