Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
NHỮNG “NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦI”
10:41 AM 26/11/2018
(LĐXH) – Tôi đến xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vào cuối giờ chiều, sương đã giăng mù mịt. Đập vào mắt đầu tiên là xuất hiện trong làn sương mờ những dáng người lầm lũi địu củi. Những vác củi to hơn người bó gọn gàng nằm thẳng đứng trên lưng những người đàn bà. Sợi dây vải chằng củi tì chặt vào trán họ. Bất giác, tôi đưa tay lên bóp trán mình một cách vô thức…
Tối, tôi đến nghỉ tại nhà anh Ly Giờ Chành ở thôn Mò Phú Chải. Anh bảo vợ thịt gà và xào nõn thảo quả với thịt lợn. Mâm cơm nhanh chóng được dọn ra nhưng chỉ có ba bát cho cha anh, anh và tôi là khách. Còn người vợ và cô con gái 15 tuổi đứng đằng sau, gắp thức ăn còn lại trong chảo để ăn. Tôi bảo vợ Chành và cháu ngồi vào mâm, nhưng Chành xua tay “Chị cứ ăn. Tôi bảo vợ bao nhiêu lần nhưng nó cứ thế!”. Tôi quay sang nói với cô vợ “Em và cháu ngồi xuống mâm đi! Đứng thế khó ăn lắm!”. Cô vợ lắc đầu cười nhăn nhúm“Ô, quen rồi mà!”. Thực ra tiếng Kinh cô vợ chưa sõi lắm, anh chồng dịch lại tôi mới biết như vậy. Hiểu sự băn khoăn của tôi, anh hất đầu “Chị cứ mặc kệ đi! Nó quen thế rồi, người Hà Nhì mình có tục thế đấy. Có bảo thì các bà ấy vẫn thế!”…
Đêm. Tôi trằn trọc. Không phải vì tiếng “kéo gỗ” vô tư của Chành hay tiếng mơ ngủ ú ớ hốt hoảng nghèn nghẹn rồi bật lên như bị đánh, bị bắt của vợ Chành. Có thể là những suy nghĩ u ám tự hành hạ tôi đến mất ngủ. Thao thức đến hơn 4 giờ đã thấy vợ Chành dậy gầy bếp. Tôi se sẽ đến ngồi bên gợi chuyện “Em dạy sớm làm gì?”. “Ô! Em nấu cơm, nấu cám để kịp lên rừng đấy” - “Em đi lấy củi à?” - “Vâng!” – “Thế chồng em có đi không?” - “Khô…ông!”... Sợ làm mất giấc của mọi người, tôi không dám nói gì thêm, chỉ lặng lẽ ngắm cô ấy. Cô vừa nấu cơm vừa quay ra nấu chảo cám to đùng trên cái bếp lò đắp bằng đất. Khuôn mặt lam lũ đen đúa chú mục vào việc, đôi bàn tay thô ráp lẳng lặng làm như cái máy. Xong xuôi, cô lấy lá dong gói cơm rồi vào chái nhà gọi con gái dậy. Cô bé mắt nhắm mắt mở vừa ngáp vừa đi ủng, đeo bao dao vào thắt lưng rồi mỗi người cầm một nắm cơm, chào tôi để đi lên rừng.
Ảnh minh họa
Trời sáng trắng, Chành mới chui từ trong buồng ra, vớ ngay lấy điếu làm liên tiếp ba mồi thuốc lào rồi lờ đờ rót nước uống. Tôi đem những suy nghĩ u ám hỏi Chành về vợ và con gái đang vất vả rừng rú, anh trầm ngâm “Cái tộc Hà Nhì mình thế. Phụ nữ làng ít đi ra ngoài nên không biết cuộc sống bên ngoài thế nào. Họ sợ thay đổi nếp sống đó, là mang tiếng xấu cho chồng. Con gái chỉ cần chăm chỉ để lấy chồng, nên bố mẹ quan tâm đến bó củi nó địu về nhà hơn là việc cho nó đi học cao lên”.
 - Thế Chành có thương vợ và con gái không?
- Có chứ! Nhưng vợ con mình nó không nghe mình bảo.
- Chành có giải thích không? Có làm gì để vợ con được nghỉ ngơi không?
Chành im lặng tợp ngụm rượu suông rồi thủng thẳng: “Nói vài lần thôi! Kệ đi, bao đời nay người tộc mình vẫn ổn mà!”.
Chia tay gia đình Chành và ngôi làng có những căn nhà hình nấm, tôi ra về với tâm trạng không vui. Hình ảnh những người phụ nữ và em gái Hà Nhì đầu tắt mặt tối quanh năm cứ ám ảnh tôi. Thương lắm! Qua tìm hiểu từ trước và ngày hôm nay thực mục sở thị tại một hộ gia đình, cuộc sống của một bộ phận phụ nữ Hà Nhì nơi chênh vênh đất trời này hiện lên thật rõ nét trước mắt tôi. Cùng cực quá! Họ chịu thương chịu khó lo toan cuộc sống gia đình. Họ lăn lưng vào mọi việc đến còm cõi người. Đặc biệt nơi đây mùa đông rét buốt kéo dài thì củi là thước đo giá trị của họ, là “tiêu chí” cho con gái lấy chồng. Các thiếu nữ lấy nhiều củi xếp vuông vắn từng khối trước nhà càng nhiều thì càng được nhiều chàng trai để ý đến. Cái tập tục này đã ăn sâu gốc bền rễ trong xứ rét, xứ mưa này rồi... Do ảnh hưởng của hủ tục mà nhiều đàn ông trong làng mặc định việc lên rừng lấy củi, làm nương rẫy... là của phụ nữ. Họ dậy sớm nấu cơm mang theo rồi vừa đi vừa ăn để kịp lên rừng, lên nương. Chỉ đến khi nhọ mặt người, mờ mờ trong làn sương mù những “Người đàn bà củi” mới mệt nhọc trở về. Thồ củi như cái gông chất ngất, lù lù trên lưng. Họ lầm lũi khô kiệt cả những niềm vui nho nhỏ…
Có quá bất công không khi hạt cơm, manh áo cả nhà đều do người phụ nữ đem lại cho gia đình? Nhiều bé gái mới chỉ 14, 15 tuổi đã tập làm “người lớn” để được “đắt” chồng bằng sự nết na của mình. Chúng quắt người vì những địu củi, những quẩy tấu rau lợn, ngô, sắn... thật hiếm những nụ cười ở họ mà nếu có chỉ là những nụ cười héo hắt như vỏ thảo quả sấy. Trong lúc ấy người đàn ông ở đâu? Xin thưa: Họ tự hào là người cáng đáng những việc lớn mà cả đời họ mới phải làm mấy dịp như làm nhà, khai khẩn nương rẫy… còn lại là ở nhà trông con nhỏ và say... rượu. Họ chèo kéo nhau uống cho thật say rồi lè bè hát, thờ ơ khi vợ con đang nhọc nhằn trên rừng... Đó là ánh nhìn dửng dưng bao đời của những người đàn ông trong làng. Đây đó có những gia đình vì khổ quá mà người vợ bỏ sang bên kia biên giới, để lại bầy con thơ nheo nhóc và cái kết đắng cho người ở lại…
Ảnh minh họa
Có quá bất công không khi trách nhiệm nặng nề trong gia đình người phụ nữ gánh hết nhưng họ vẫn chịu sự phân biệt đối xử. Trong gia đình, họ không dám quyết định điều gì. Trong cộng đồng, họ không bao giờ được mời bàn bạc, tổ chức lễ hội và những việc khác?
Có quá bất công không khi tỷ lệ học sinh gái đến trường ít hơn học sinh nam, tỷ lệ ấy càng chênh lệch khi càng học lên cấp cao hơn?
Và rất nhiều bất công ở nơi mà khái niệm BÌNH ĐẲNG GIỚI chỉ là thứ xa xỉ cùng tính cam chịu gò bó vào khuôn phép đến cực đoan ở những người phụ nữ ít bước chân xuống núi… Ít ai biết, sau bức tranh vùng cao tuyệt đẹp và hùng vĩ này là thân phận của đa số người phụ nữ gắn chặt với những thồ củi đến lúc không còn sức đi nữa mới thôi. Con đường từ nhà lên núi là con đường hàng ngày dẫn họ đến ốm o lao lực và song hành với những hủ tục bất bình đẳng giới xuyên thế hệ…
Không cớ gì sang thế kỷ 21 gần hai thập kỷ mà vẫn có những hủ tục khiến người phụ nữ vất vả thế, lạc hậu thế và cam chịu nhiều bất bình đẳng đến thế? Không cớ gì mà Hội Phụ nữ các cấp quan tâm, vận động tuyên truyền rất nhiều mà khái niệm Bình đẳng giới vẫn là cái gì đó rất mơ hồ đối với những người dân nghèo lam lũ vùng cao? Phải chăng các chính sách đó không trực tiếp mang đồng tiền về “dấp” vào tay người dân nên họ chẳng thể quan tâm vì phải mải miết bươn trải mưu sinh?
Và tôi hiểu, điều đầu tiên để có được bình đẳng giới trong cộng đồng Hà Nhì nơi đây, là phải làm thay đổi nhận thức của những người đàn ông, để từ đó họ mới biết trân quý những người phụ nữ trong gia đình mà tâm điểm là người vợ. Tức là tuyên truyền bình đẳng giới bên cạnh đối tượng là phụ nữ phải tuyên truyền trực tiếp vào giới đàn ông Hà Nhì để họ tự ý thức được vai trò của cả hai vợ chồng thì họ mới giúp người phụ nữ của mình dỡ bỏ được sợi dây địu củi như cái vòng kim cô tì lên trán bao đời.
 Tuyên truyền để người đàn ông hiểu khái niệm bình đẳng giới không có gì là mơ hồ, xa vời mà rất thực tế, gần gũi:
 Là cho con gái đi học như con trai; không trọng nam khinh nữ
 Là xốc vác những việc nặng thay vợ con;
 Là tạo điều kiện cho vợ được giao lưu với xã hội bên ngoài;
 Là vợ mình cũng được tham gia quyết định những việc to nhỏ trong gia đình và cộng đồng…
Chỉ có thế mới dần dần xóa bỏ hủ tục bất bình đẳng giới từ bao đời và nâng cao tầm hiểu biết cho người phụ nữ.
 Dẫu rằng phá bỏ hủ tục và sự lười biếng không dễ trong một sớm một chiều, nhưng nếu hiểu rằng hủ tục là rào cản sự phát triển của gia đình và xã hội thì họ sẽ thay đổi dần nhận thức. Và khi tất cả các cặp vợ chồng Hà Nhì nói riêng (và 53 dân tộc anh em nói chung) hiểu rõ bình đẳng giới sẽ đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc bởi sự sẻ chia từ chính người đàn ông trong gia đình thì chắc chắn những bất công giới (tôi tạm gọi như thế) sẽ không còn, bức tranh con người vùng cao sẽ tươi sáng hơn nhiều.
Tôi rất muốn tin thế! Càng muốn tin hơn khi màn sương Y Tý đang dần nặng hạt báo hiệu một cơn mưa rừng sắp tới. Những người đàn bà củi của tôi có kịp trú thân trên những cánh rừng mưa?

                            

Trần Thị Minh

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
Sự thật về thuốc giảm cân
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”