Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Người hàn gắn “gương vỡ lại lành” ở thôn An Tiêm
02:04 PM 25/10/2018
(LĐXH) - “Năng nổ, nhiệt tình trong công tác phụ nữ, làm ăn kinh tế giỏi và hội tụ phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam công dung ngôn hạnh”, đó là lời nhận xét của nhân dân thôn An Tiêm về chị Trần Thị Hồng Loan ngụ tại thôn An Tiêm xã Triệu Thành huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, chị Loan còn là người khá thân tình với các cặp vợ chồng, bởi chị là người chuyên gia gỡ rối, giải quyết các mối bất hòa ở thôn, nhất là chuyện lục đục gia đình.
Chuyên gia gỡ rối
Chị Loan là Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn An Tiêm xã Triệu Thành, rất nhiệt tình với công tác hội và được bà con làng xóm tin yêu. Chị còn là thành viên của Tổ hòa giải thôn An Tiêm cùng với 1 công an viên và 1 cựu chiến binh của thôn, nên khi thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), chị vận dụng hiệu quả công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể của thôn, xã trong việc quan tâm, giúp đỡ, bảo vệ những nạn nhân bị BLGĐ. Chị tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở, giúp nhiều cặp vợ chồng muốn ly hôn hàn gắn, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Với dáng người cao gầy, nước da ngăm đen vì bao năm lăn lộn sương gió nơi vùng gió lào cát trắng nhưng trên môi chị luôn thường trực nụ cười gần gũi. Tác phong nhanh nhẹn, nói năng nhỏ nhẹ, khi giải quyết vụ việc chị Loan luôn giải thích, thuyết phục có tình, có lý nên được nhiều người quý mến. Đầu năm 2016, chị cùng tổ Tổ hòa giải thôn An Tiêm hòa giải thành công 2 vụ BLGĐ. Đa phần những vụ BLGĐ đó xảy ra đều do người chồng không chí thú làm ăn, say rượu đánh đập, hành hạ vợ hoặc mâu thuẫn vợ chồng về vấn đề kinh tế.
Đơn cử như vợ chồng anh Nguyễn Văn C và chị Nguyễn Thị T ở thôn An Tiêm đã tìm thấy lại hạnh phúc sau những rạn nứt tưởng như không thể hàn gắn được. Anh C và chị T là đôi vợ chồng trẻ chăm chỉ làm ăn, kinh tế vừa đủ chẳng dư dả gì. Anh C làm ngề thợ sắt, cũng như những người đàn ông khác anh bắt đầu uống rượu để giải khuây. Sau những lần say xỉn, về nhà trong hơi men ngà ngà, anh thường lè nhè với vợ, chì chiết những chuyện không đâu. Bực mình vì tự dưng bị chồng nói nặng nói nhẹ, chị T nói lại. Cho rằng vợ nói lại là hỗn, anh C thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Chị T phải hứng chịu những trận đòn, những câu chửi mắng vô cớ của chồng. Chị T la lối om sòm lên  sau đó chị bỏ về nhà mẹ ở, để lại con cho chồng nuôi rồi viết đơn ly dị.
Cũng vừa mới đi làm về nghe tin, Chị Loan tức tốc chạy đến cùng với các thành viên trong tổ hòa giải. Lúc đầu đến nhà vợ chồng anh C, anh không đón tiếp cho rằng “vợ chồng đóng cửa bảo nhau” không cần ai khuyên nhủ và dọa sẽ đánh đập nếu ai vào nhà. Thấy tình hình căng thẳng như vậy nhất là trong lúc anh C dễ bị kích động, chị Loan bảo mọi người giải tán ra về. Hôm sau chờ cơn giận nguôi ngoai, chị cùng với tổ hòa giải lại đến nhà kiên trì “bám trụ”. Hôm nay cử người này, mai cử người khác “đến chơi” với phương châm “kiên trì thuyết phục” để “mưa dầm thấm lâu” giúp anh ngẫm nghĩ những lời khuyên của Tổ hoà giải thật có tình, có lý…
Chị Trần Thị Hồng Loan
Bằng lời nói nhẹ nhàng, chân tình của người phụ nữ từng có gia đình, chị Loan khuyên anh C qua nhà mẹ vợ xin lỗi vợ rồi đón vợ về. Chị khuyên anh “làm người đàn ông mình nên rộng lượng một chút, với một câu xin lỗi thì không người vợ nào mà không tha thứ”. Còn đối với chị T, chị Loan tìm đến nhà mẹ đẻ để khuyên nhủ “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. Em đừng nghĩ đến chuyện li dị nữa, hãy nghĩ đến đứa con của mình sau này lớn lên sẽ không có cha, mẹ”. Nghe chị Loan khuyên như vậy nên chị T suy nghĩ lại và rút đơn ly dị. Còn anh C sau bữa hòa giải anh qua nhà mẹ vợ đón vợ về. Vợ chồng lại tu chí làm ăn sống những ngày hạnh phúc.
Hay như trường hợp anh Nguyễn Văn L và chị Hoàng Thị V, họ là đôi vợ chồng trẻ ngụ tại thôn An Tiêm. Anh L thường xuyên say rượu về chửi mắng, đánh đập vợ, thường xuyên đuổi vợ ra khỏi nhà, chị V nhiều lần sang ở nhờ nhà hàng xóm. Nghe lời khuyên của nhiều người, chị V đã  mạnh dạn trình báo với Hội Phụ nữ xã. Được sự chỉ đạo cấp trên, chị Loan cùng tổ hòa giải đến làm công tác hòa giải, phân tích giúp anh L hiểu, hứa không vi phạm và viết bản cam kết. Chị khuyên chị V cố gắng nhịn, vì một “điều nhịn là chín điều lành”. Hiện nay, gia đình anh L và chị V sống hòa thuận, hạnh phúc.
Qua những vụ việc như thế cho thấy Tổ hòa giải đã phát huy vai trò và đem lại hiệu quả trong công tác phòng, chống BLGĐ. Một thành viên trong tổ hòa giải thôn An Tiêm chia sẻ:  “Chị Loan là một Chi hội trưởng phụ nữ năng động và nhiệt huyết. Bất cứ vụ việc gì, khi mọi người gọi, chẳng cần biết nửa đêm gà gáy hay trời mưa gió, chị Loan đều có mặt kịp thời. Trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng BLGĐ ở thôn An Tiêm giảm rõ rệt, mức độ nghiêm trọng của vụ việc cũng không đáng lo ngại. Có được điều này, là nhờ sự đóng góp không nhỏ của chị Loan”.
Theo chị Loan, trước đây nhiều nạn nhân bị bạo hành do xấu hổ và chưa am hiểu luật pháp, rất nhiều chị im lặng, cam chịu nên không mạnh dạn tố giác để cơ quan chức năng kịp thời can thiệp. Nhưng qua công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống BLGĐ đã nâng cao được ý thức cho người dân địa phương, nhiều chị đã mạnh dạn tố cáo hành vi BLGĐ để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn như trường hợp của chị V.
Gia đình “yên”, xã hội  mới “lành”
Khi được hỏi vì sao dành nhiều thời gian, tâm huyết để giải quyết các vụ việc liên quan đến BLGĐ mà như nhiều người nói “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, Chị Loan cười bảo: “Vì gia đình họ cũng như gia đình mình. Chén bát úp vào nhau còn va đập huống chi là cuộc sống vợ chồng. Chứng kiến cảnh vợ chồng họ cơm không lành, canh chẳng ngọt mình cũng buồn và trách nhiệm của một Chi hội trưởng phụ nữ phải làm việc gì đó. Vả lại, mình đã có gia đình, đã trải sự đời nên chín chắn hơn các đôi vợ chồng trẻ. Mình hiểu rất rõ những khó khăn mà họ gặp phải khi không thể tìm được tiếng nói chung. Hơn nữa gốc rễ của sự mâu thuẫn suy cho cùng đều bắt nguồn từ khó khăn về kinh tế. Khi kinh tế chật vật vợ chồng dễ nảy sinh lục đục. Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập kinh tế là một trong những biện pháp giảm BLGĐ”.
Vì thế không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Loan còn giúp đỡ những chị em trong thôn phát triển kinh tế bằng việc chia sẻ kinh nghiệm, chăn nuôi, trồng trọt mà chị tích lũy được sau những tháng ngày tập huấn, học hỏi để cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Chị vận động nhiều chị em tham gia các lớp tập huấn về trồng ném, chăn nuôi gà, nuôi bò. Đến nay kinh tế nhiều gia đình đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập, cuộc sống vợ chồng rất êm ấm.
Bằng khen của chị Loan được Tỉnh ủy Quảng Trị trao tặng
Gia đình là tế bào của xã hội, gốc rễ bình yên của xã hội vốn từ gia đình mà ra “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chỉ khi nào gia đình thực sự “yên”, xã hội mới “lành” được. Để có được điều đó, phải hạn chế BLGĐ. Với công việc như vậy, bản thân chị Loan và gia đình luôn ý thức được rằng mình phải gương mẫu mới có thể làm gương cho mọi người. Trong gia đình, vợ chồng chị sống hòa thuận, thương yêu nhau, chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe. Đặc biệt, tấm gương vượt khó làm giàu của chị Loan xứng đáng để cho chị em phụ nữ học tập, làm theo. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm trang trại chăn nuôi bò, gà của chị lãi ròng từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Mô hình làm ăn kinh tế của chị Loan được xem là một trong những điển hình trang trại của huyện Triệu Phong - Quảng Trị, và được cấp giấy chứng nhận trang trại. Vì vậy trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Triệu Thành, trang trại của chị được hỗ trợ vốn vay 100 triệu đồng. Những điển hình làm kinh tế như chị đang góp phần trực tiếp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở quê hương.
Khi nhìn thấy một loạt các giấy khen, bằng khen về gia đình văn hóa; Bằng khen của Tỉnh ủy Quảng Trị vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong - Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giai đoạn 2011-2013; Giấy khen của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Triệu Phong - Đạt danh hiệu phụ nữ điển hình tiên tiến huyện Triệu Phong năm 2013, tôi vô cùng ngưỡng mộ chị.
Chia tay chị Loan, trong lòng tôi vô cùng khâm phục người phụ nữ chưa từng vượt qua khỏi luỹ tre làng sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng chị đã toát lên vẻ đẹp của người phụ nữ nông thôn đảm đang, chịu thương chịu khó, giàu lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm cao. Tấm gương của chị Loan đã góp phần cùng địa phương đấu tranh phòng, chống BLGĐ một cách hiệu quả, thiết thực, hướng tới một xã hội không có BLGĐ.

Thanh Hoa

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Bắc Giang: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Chương trình 'Tết cho trẻ em nghèo' trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%