Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Hạnh phúc của đôi vợ chồng mù
02:06 PM 13/10/2018
(LĐXH) - “Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo xã Triệu Giang - huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, năm 1984, tôi cất tiếng khóc chào đời trong sự vui mừng của bố mẹ và người thân. Nhưng rồi đến năm học cấp 3 tôi bị mắc chứng bệnh về mắt. Gia đình đã hết sức chữa chạy cho tôi khắp nơi đi Hà Nội, rồi Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đôi mắt của tôi không nhìn thấy được nữa. Tôi trở thành người mù lòa kể từ đó. Quả là một cú sốc quá lớn đối với tôi khi mà bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ giờ phải gác lại.”
 Đó là những lời tâm sự của anh Trịnh Minh Duệ, chủ tịch Hội người mù huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, chia sẻ cùng với tôi.
 
Anh Trịnh Minh Duệ
Anh nhớ lại những năm tháng khi trở thành người mù lòa, anh sống trong sự đau khổ, chán nản với cuộc đời vì chỉ thấy trước mắt mình là một màu đen tối. Anh nghĩ cuộc đời mình cũng tăm tối như vậy nên có những lúc suy nghĩ rất tiêu cực, tự ti mặc cảm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Cuộc sống của tôi cứ thế chìm trong những tháng ngày sầu muộn.
Nhưng rồi anh suy nghĩ mình sẽ không đầu hàng số phận. Hơn ai hết, anh hiểu được rằng cuộc sống của tôi tốt xấu ra sao sẽ do tôi quyết định, và nghĩ mình phải làm một điều gì đó để  xóa đi mặc cảm của bản thân, hòa nhập với cộng đồng như tác giả Nick Vujicic viết trong cuốn sách “Sống Cho Điều Ý Nghĩa Hơn”. Anh phải tự đi lên bằng chính đôi chân và nghị lực của mình để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chợt anh nhớ đến câu nói của ai đó “Nếu muốn xã hội thay đổi cách nhìn về người khuyết tật, thì trước tiên chính người khuyết tật thay đổi cách nhìn về bản thân mình”. Thế là anh tích cực rèn luyện thể dục thể thao để có sức khỏe tốt. Thấy anh có năng khiếu thể dục thể thao nên chính quyền địa phương đã giới thiệu anh vào Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.
Lúc đầu anh còn e ngại vì nghĩ mình là người khiếm thị, nhưng nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, và các cô chú trong ban huấn luyện đã giúp anh có thêm nghị lực. Anh ngày đêm miệt mài luyện tập. Cuối cùng, năm 2004 anh quyết định tham gia Hội thi thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị và đạt Huy Chương Bạc. Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc năm đó cũng đạt Huy Chương Bạc. Thành tích ấy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với anh là nguồn cổ vũ động viên anh vươn lên trong cuộc sống, anh thấy mình tự tin hẳn lên không còn mặc cảm với bản thân nữa. Đây cũng là bước ngoặt cuộc đời anh từ đó. Sau khi tham gia Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc về anh đã xin gia nhập vào Hội người mù huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, đến nay được hơn 10 năm.
Năm 2008, anh được Hội cho đi học tại Hà Nội về kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt. Sau khóa học, anh về quê hương hành nghề và tại đây cuộc đời anh lại rẽ sang một trang mới. Là một thanh niên ai cũng có khát khao yêu đương, anh cũng vậy nhưng không dám mơ đến hạnh phúc như những người bình thường khác. Cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn, cộng với sự mất mát khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng đã khiến tuổi thanh xuân của anh dữ dội hơn bao giờ hết. Sống trong sự tự ti, mất hy vọng, anh cứ tưởng cuộc đời này không còn cảm nhận được hạnh phúc của tình yêu.
Nhưng rồi hạnh phúc đã mỉm cười với anh, duyên phận đã cho anh gặp cô gái cùng cảnh ngộ và tốt bụng ở Hội người mù huyện Triệu Phong khi cả hai cùng sinh hoạt tại đây. Và câu chuyện tình yêu của họ bắt đầu nảy nở. Cứ tưởng rằng, suốt đời này anh không còn cảm nhận được tình yêu lứa đôi nữa, bởi anh nghĩ, chẳng ai chấp nhận yêu và lấy một người mù như mình. Cô ấy cũng là người khiếm thị, một con mắt bên phải của cô ấy không còn nhìn thấy gì. May mà còn con mắt còn lại không bị mù nên đi lại có phần thuận tiện hơn, cô ấy đã tình nguyện chở anh đi làm rồi đưa anh về nhà. Trước tấm lòng của cô ấy cũng như sự cảm thông về hoàn cảnh, đồng điệu của hai tâm hồn thiếu thốn tình cảm đưa họ đến với nhau.
Anh kể lại những ngày đầu yêu nhau, gia đình cô ấy phản đối rất nhiều. Họ sợ  hai kẻ mù lấy nhau về, cuộc sống sẽ càng vất vả hơn, lỡ đau ốm lấy ai chăm sóc. Rồi sau này, chuyện con cái nuôi dạy cũng rất khó khăn, gia đình lại không khá giả gì, như thế sẽ càng trở thành gánh nặng cho nhau. Nhưng bằng tình yêu chân thành từ hai phía, sự ủng hộ của chính quyền, của những thành viên trong Hội, cuối cùng, hai bên gia đình cũng đã đồng ý cho anh chị nên duyên vợ chồng. Đám cưới của hai người mù được nhiều người thành tâm chúc phúc, song không khỏi ngậm ngùi thương cảm, bởi không biết họ sẽ sống tự lập thế nào giữa cuộc đời đầy giông bão này. Đám cưới tan, họ nắm tay nhau thật chặt, động viên nhau, dẫu khó khăn thế nào cũng vượt qua để vươn lên.
- “Và đây là mối tình đầu của anh?” tôi tò mò hỏi
- “Tình đầu cũng là tình cuối đó mà cô. Với những người khiếm thị như chúng tôi đâu dám mơ đến một tình yêu lãng mạn để mà chọn lựa. Chỉ cần có người thương mình và mình thương lại họ thế là đủ”, anh Duệ tâm sự.
 Vượt qua bao nhiêu sóng gió, họ đã cùng nhau xây dựng nên một tổ ấm hạnh phúc. Quả thực như thế, chỉ có tình yêu mới giúp họ vượt qua khó khăn. Mới lấy nhau, cuộc sống của vợ chồng anh Duệ hết sức cực khổ căn nhà cấp 4 tạm bợ đã quá cũ kỹ, dột nát và không còn khả năng chống chịu với mưa bão. Nhưng, nghĩ đến tương lai, anh chị lại cùng nhau cố gắng.
Anh Duệ tâm niệm, dù là người khiếm thị cũng không nên ỷ vào sự hỗ trợ từ người khác, phải biết tham gia, đóng góp một phần sức lực dù nhỏ giúp xã hội ngày một tốt đẹp. Những năm qua, anh luôn làm tốt nhiệm vụ của mình ở cương vị Chủ tịch  Hội người mù huyện Triệu Phong. Thấu hiểu nỗi bất hạnh mà mình đã trải qua, anh dành nhiều thời gian để động viên, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh như vay vốn xóa đói giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống cho hội viên. Cơ sở sản xuất của Hội người mù Triệu Phong chuyên sản xuất tăm tre, chổi đót và hương thơm tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động người mù và người khuyết tật,  tạo cho họ niềm tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Anh Trịnh Minh Duệ là tấm gương người mù gương mẫu, nhiều năm liền đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và nhiều bằng khen của Trung ương Hội, Tỉnh hội.
Còn đối với vợ anh, chị cũng quyết tâm thoát nghèo chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng để chăn nuôi gia súc gia cầm. Khi gia sản là con số không, đến nay chị đã có 100 con ngan lẫn vịt, 5 con lợn nái và 20 con lợn thịt. Cuộc sống của gia đình anh chị đỡ khó khăn hơn trước. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất mà anh chị có được là sau một năm chung sống, anh chị có bé Trịnh Gia Linh. Giờ bé đã vào lớp 1, chăm ngoan và khỏe mạnh. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng anh chị. “Có nằm mơ, vợ chồng tôi cũng không nghĩ con mình sinh ra sẽ lành lặn khỏe mạnh, không bị mù. Với những người bình thường, để chăm lo cho đứa con ăn học đã vất vả thì với vợ chồng tôi nỗi vất vả ấy lại nhân lên gấp bội. Tôi nghĩ trong cuộc sống còn rất nhiều người thiếu may mắn hơn tôi mà họ vẫn vượt qua. Vì vậy, tôi càng phải cố gắng sống tốt vì tương lai của con” Anh Duệ chia sẻ.
Gặp những tấm gương khiếm thị vượt khó như vợ chồng anh Duệ, tôi đều nhận thấy ở họ một nghị lực phi thường. Những thiệt thòi, những bất hạnh do tật nguyền đã khiến họ sống như một người bình thường đã khó, vậy mà họ đã vượt lên trên nỗi bất hạnh để khẳng định mình, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Không phó mặc hay buông xuôi cho số phận, bằng chính sức lao động của mình, anh Duệ đã tự tạo ra nguồn sáng cho cuộc đời như lời Bác Hồ nói “tàn nhưng không phế”. Như cây xương rồng trên cát, dù trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa, những người khiếm thị ấy đã vượt lên bóng tối, thắp sáng cuộc sống bằng chính nghị lực của họ.
 
Gia đình anh Duệ
Chia tay gia đình anh Duệ, bước nhẹ trên con đường làng quanh co, tôi ngoái đầu nhìn lại cô con gái dễ thương đang nô đùa, tôi nghĩ hạnh phúc đã thực sự neo đậu và ngự trị trong ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng khiếm thị ấy. Họ nhìn nhau khẽ nở một nụ cười trìu mến, ánh mắt reo vui, nơi đây, ở ngôi nhà này, có lẽ niềm tin yêu vào cuộc sống như ngọn lửa chưa bao giờ tắt.
Thanh Lê

 

TAG:
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện