Những chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục nghề nghiệp ở Bắc Kạn
(LĐXH)-Thời gian qua, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác đào tạo nghề (nay là giáo dục nghề nghiệp) ở Bắc Kạn được triển khai đồng bộ và có những chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Bắc Kạn đã tập trung mở rộng về quy mô, lĩnh vực đào tạo, đổi mới cải tiến nội dung nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thiết thực và phù hợp, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh, các khu công nghiệp, các nhà máy xí nghiệp trong nước và đi xuất khẩu lao động. Công tác xã hội hóa GDNN được quan tâm, chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh bước đầu có chuyển biến và được nâng lên. Mô hình đào tạo nghề kết hợp với đào tạo văn hóa đang trở thành xu hướng được nhiều học viên quan tâm bởi giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo, đồng thời dễ kiếm được việc làm hơn sau khi ra trường.
Trên cơ sở Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 23/1/2018 của Tỉnh ủy Bắc Kạn, nhằm cơ cấu lại các cơ sở GDNN với mục tiêu phát triển GDNN theo hướng tập trung, tỉnh thực hiện sáp nhập Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn, Trường Cao đẳng nghề Dân tộc nội trú Bắc Kạn thành 01 Trường Cao đẳng và thực hiện giải thể Trường Trung cấp Y tế Bắc Kạn. Kể từ khi thống nhất đầu mối quản lý lĩnh vực GDNN theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động hơn trong việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về GDNN. Từ đó, việc phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDNN được tăng cường thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 19 cơ sở GDNN, gồm: 1 Trường cao đẳng, 12 Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên, 3 trung tâm tham gia hoạt động GDNN và 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác GDNN, Bắc Kạn còn chú trọng đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề. Hiện tại, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng các hạng mục chính để phục vụ công tác dạy và học nghề như: nhà hiệu bộ, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, nhà kí túc xá, khu thể thao, thư viện... Bên cạnh đó, các nhà trường còn đầu tư tương đối đầy đủ trang triết bị đào tạo theo cơ cấu, quy mô của các nghề tổ chức hoạt động. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương bố trí đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị cho các cơ sở GDNN là 12,9 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất là 4,8 tỷ đồng, mua sắm thiết bị đào tạo là 8,1 tỷ đồng.
Đến nay, chất lượng GDNN ở Bắc Kạn đã và đang từng bước đáp ứng nhân lực chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề ở các cấp trình độ đạt 31.051 lao động, trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng đạt 28.686 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động thôn đạt 10.400. Dự kiến trong năm 2020, tuyển mới đào tạo được 6.000 người, gồm: trình độ cao đẳng 90 người, trung cấp 715 người, đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 5.195 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở đạt khoảng 45%.
Chí Tâm
TAG: