Kinh tế
Trang chủ / Kinh tế / Kinh tế
Nhiều quốc gia ban hành lệnh cấm DeepSeek
03:24 PM 07/02/2025
(LĐXH) DeepSeek, mô hình AI gây sốt của Trung Quốc, đối mặt hàng loạt lệnh cấm từ nhiều quốc gia vì lo ngại các vấn đề liên quan đến bảo mật.

DeepSeek, mô hình AI gây sốt của Trung Quốc, đối mặt hàng loạt lệnh cấm từ nhiều quốc gia vì lo ngại các vấn đề liên quan đến bảo mật.

DeepSeek-R1 – chatbot AI do một công ty Trung Quốc phát triển mới ra mắt gần đây đã gây chấn động ngành công nghệ toàn cầu với mô hình AI mã nguồn mở, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm như ChatGPT của OpenAI và Gemini của Google. AI này gây bất ngờ khi có chi phí phát triển rất thấp, chỉ khoảng 6 triệu USD, so với hơn 100 triệu USD của GPT-4.

Sự xuất hiện của DeepSeek khiến cho thị trường AI trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, sự phát triển thần tốc và các vấn đề xoay quanh ứng dụng AI này cũng làm dấy lên nhiều nghi ngại. Thời gian qua, nhiều cơ quan chính phủ trên toàn cầu đã ban hành các quy định hạn chế quyền truy cập vào DeepSeek, vì lo ngại về chính sách bảo mật lỏng lẻo.

Hàn Quốc

Ngày 4/2, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một thông báo kêu gọi các bộ, ban ngành và cơ quan chính phủ thận trọng khi sử dụng các dịch vụ AI, bao gồm cả DeepSeek và ChatGPT, theo Korea Times.

Từ ngày 5/2, Bộ Công nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Năng lượng đều đã chặn quyền truy cập vào DeepSeek trên các thiết bị làm việc của công chức. Ngày 6/2, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin, Bộ Môi trường và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cũng tham gia vào làn sóng hạn chế DeepSeek. Công ty điện lực nhà nước Korea Hydro & Nuclear Power cũng thực hiện động thái tương tự từ đầu tháng 2.

Bộ Tài chính cũng đang xem xét áp đặt các biện pháp hạn chế. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ sẽ sớm đưa ra quyết định dựa trên "các vấn đề kỹ thuật đáng quan ngại từ cả trong và ngoài nước".

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bày tỏ sự thận trọng đối với mô hình AI giá rẻ tới từ Trung Quốc. Kakao Corp, một trong những công ty công nghệ lớn nhất nước này, đã khuyến cáo nhân viên không sử dụng DeepSeek vì lo ngại về bảo mật. Thông báo này xuất hiện chỉ một ngày sau khi Kakao công bố hợp tác với OpenAI.

Một số nước và tổ chức đã cấm DeepSeek vì lý do bảo mật. Ảnh: GI

Mỹ

Theo CNBC, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 1/2 đã phát đi thông báo cấm nhân viên truy cập DeepSeek vì các máy chủ của hãng hoạt động ngoài nước Mỹ, đặt ra nguy cơ an ninh quốc gia.

Hải quân Mỹ cuối tháng trước gửi cảnh báo qua email, cấm sử dụng DeepSeek dưới mọi hình thức vì "lo ngại tiềm ẩn về an ninh liên quan đến nguồn gốc và cách sử dụng mô hình này".

DeepSeek cũng nằm trong diện đánh giá và hiện bị cấm sử dụng trong công việc tại Hạ viện Mỹ. Văn phòng Giám đốc Hành chính Hạ viện Mỹ (CAO) cho rằng DeepSeek có thể bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán mã độc và lây nhiễm các thiết bị.

Thống đốc bang Texas Greg Abbott ban hành lệnh cấm ứng dụng của DeepSeek và các công ty Trung Quốc khác trên thiết bị công. Trong một tuyên bố, ông cho biết sẽ không cho phép xâm phạm hạ tầng trọng yếu của bang thông qua AI khai thác dữ liệu và các ứng dụng mạng xã hội.

Australia

Australia cấm cài DeepSeek trên tất cả thiết bị chính phủ, theo khuyến nghị từ cơ quan an ninh. Quyết định được đưa ra do lo ngại về quyền riêng tư và các mối đe dọa phần mềm độc hại từ mô hình AI của Trung Quốc.

"Đây là hành động mà chính phủ đã thực hiện theo khuyến nghị của các cơ quan an ninh, hoàn toàn không phải là động thái mang tính biểu tượng. Chúng tôi không muốn để các hệ thống của chính phủ tiếp xúc với những ứng dụng này", đặc phái viên an ninh mạng của chính phủ, ông Andrew Charlton, chia sẻ. Ông nhấn mạnh rủi ro với quyền riêng tư của thông tin, các phần mềm độc hại mà người dùng có thể tiếp xúc.

Italy

Italy cấm hoàn toàn DeepSeek từ ngày 28/1 – trở thành quốc gia đầu tiên “nói không” với mô hình AI tới từ Trung Quốc này. Ứng dụng DeepSeek bị xóa trên App Store và Google Play ở Italy do chính phủ lo ngại nguy cơ rò rỉ dữ liệu của hàng triệu người dân.

"Xét thấy nguy cơ cao đối với dữ liệu của hàng triệu người tại Italy, cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty cùng các đơn vị trực thuộc xác nhận loại dữ liệu cá nhân nào được thu thập, từ nguồn nào, với mục đích gì và liệu thông tin có được lưu trữ trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc hay không", giới chức nước này cho hay.

 Lương Sơn
TIN LIÊN QUAN
TAG: DeepSeek
Tin khác
Thương vụ hợp nhất Nissan – Honda đứng trước nguy cơ đổ vỡ
Áp thuế hàng nhập khẩu giá rẻ, quyền lợi người tiêu dùng thế nào?
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 0,98%
‘Đãi cát tìm vàng’ tại thủ phủ thời trang hàng hiệu giá rẻ
Danh tính hacker cướp hơn 48 triệu USD từ dự án blockchain của người Việt
Giá xăng RON 95 xuống dưới 21.000 đồng/lít
Suzuki Jimny có thêm phiên bản 5 cửa
Mua vàng ngày vía Thần Tài năm ngoái giờ lãi đậm 13 triệu đồng/lượng
Tiểu thương chợ 'đồ si' lao đao vì khách mua giảm