Chợ Đông Tác (Kim Liên, Đống Đa) và chợ Đặng Văn Ngữ (Trung Tự, Đống Đa) từ lâu đã được xem là “thủ phủ” của thời trang second-hand tại Hà Nội. Nơi đây thu hút không chỉ các tín đồ săn đồ cũ mà còn cả những người kinh doanh nhỏ lẻ, tìm mua nguồn hàng độc lạ.
Sở dĩ những khu chợ này luôn tấp nập là nhờ ưu điểm nổi bật: giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, chất liệu bền đẹp. Thậm chí, không ít khách hàng còn săn được những món đồ “độc nhất vô nhị”, không lo bị đụng hàng. Tuy nhiên, đằng sau sự sầm uất này là nỗi lo của các tiểu thương khi sức mua đang giảm rõ rệt.
Người bán lo lắng…
Vốn có kinh nghiệm 5 năm kinh doanh đồ si, anh Hưng - chủ một cửa hàng thời trang cũ tại chợ Đông Các bộc bạch: “Thị trường đồ si không còn sôi động như trước. Doanh thu năm nay giảm khoảng 40% so với năm ngoái. Tuy nhiên, vào dịp cận Tết, áo lông vẫn là mặt hàng bán chạy nhất”.
Theo anh Hưng, áo lông tại chợ có nhiều loại, tùy vào chất liệu mà giá cả khác nhau. Áo lông nhân tạo khoảng 250.000 đồng/cái. Áo lông thật (gile) có giá từ 400.000 - 500.000 đồng/cái. Một số mẫu áo lông ngoại nhập cao cấp có thể lên tới cả chục triệu đồng.
"Lông thật sờ vào sẽ cảm nhận ngay, giật mạnh cũng không rụng lông. Còn lông nhân tạo thì dễ bị kéo đứt”, anh Hưng bật mí
Tại chợ Đặng Văn Ngữ, chị Lan - một tiểu thương cũng cho biết, sức mua đang giảm mạnh: “Sau Tết, khách thưa hơn nhiều. Năm nay bán chậm, chỉ bằng một nửa so với mọi năm. Giá quần áo tại đây tương đối mềm: Áo sơ mi có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/chiếc; Áo khoác bò, áo khoác lông giá từ 150.000 - 200.000 đồng/chiếc”.
Tương tự, chị Nhung, tiểu thương có thâm niên hơn 10 năm tại chợ Đông Các, nhận xét: “Năm nay bán chỉ bằng 30% so với năm ngoái. Trước đây, khách mua một lần 5 sản phẩm, giờ chỉ lấy 1 món”.
Không chỉ ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, chị Nhung cho rằng xu hướng mua sắm online cũng khiến lượng khách tại chợ giảm mạnh. Dù vậy, chị vẫn duy trì cả hai hình thức bán hàng trực tiếp tại chợ và online. “Doanh số bán qua mạng hiện đã gấp đôi doanh số bán trực tiếp”, chị chia sẻ.
… người mua vẫn hào hứng
Dù các tiểu thương gặp khó khăn, nhưng với những người yêu thích săn hàng second-hand, chợ đồ si vẫn là điểm đến hấp dẫn.
Hải Anh (19 tuổi, sinh viên Hà Nội) cho biết: “Mình không mua đồ si thường xuyên nhưng cũng từng sắm áo khoác và quần jean ở đây. Chợ Đặng Văn Ngữ có nhiều mẫu mã đẹp, giá mềm, khoảng 60.000 - 80.000 đồng”.
Không chỉ mua về mặc, Hải Anh còn thích chỉnh sửa lại theo phong cách riêng. Đôi khi mua về bạn trẻ này sẽ cắt, may lại để trông mới mẻ hơn.
Minh Anh (17 tuổi, Ba Đình) cũng chọn mua giày second-hand vì giá rẻ và chất lượng tốt vì mua được một đôi giày ưng ý với giá 320.000 đồng, sau khi mặc cả từ 350.000 đồng.
Trong khi đó, anh Trường (27 tuổi, Thanh Xuân) lại có góc nhìn thoải mái hơn về chuyện mua sắm: “Mình không quan trọng thương hiệu, miễn là mặc thấy thoải mái chứ không nhất thiết phải là hàng hiệu. Đồ si có cái hay là độc lạ, không lo đụng hàng". Anh chàng này cũng đã “săn” được 3 chiếc áo với giá chỉ 10.000 đồng/chiếc.
Dù kinh tế khó khăn, sức hút của chợ đồ si tại Hà Nội vẫn không hề giảm nhiệt. Với những tín đồ thời trang, đây là nơi có thể tìm thấy những món đồ độc lạ, giá mềm. Với các tiểu thương, dù thị trường có biến động, họ vẫn tin rằng hàng si sẽ luôn có chỗ đứng.
Với kinh nghiệm gần 40 năm bán đồ si, bà Hương (68 tuổi, Hoàn Kiếm) nhận định, dù sức mua giảm, nhưng đồ si vẫn có lợi thế riêng. Hàng này không sợ lỗi mốt, bán quanh năm.
Theo bà Hương, giá cả thay đổi tùy từng thời điểm. “Ví dụ, quần bò đẹp nếu để khách nhặt buôn thì tôi bán 90.000 đồng/cái, nhưng bán lẻ lại chỉ có 70.000/cái thôi bởi vì khách nhặt buôn thì họ lấy hết cái đẹp rồi”, bà Hương nói.
Bà Hương cho biết, nguồn hàng tại các chợ đồ si rất đa dạng, nhập từ cả châu Âu và châu Á. Có những món đồ mới ngoài cửa hàng chính hãng giá lên đến 2 triệu đồng, nhưng về đây chỉ khoảng 500.000 đồng, thậm chí nếu ế, có khi bán 100.000 đồng cũng được.
“Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng chợ đồ si tại Hà Nội vẫn không hề giảm nhiệt. Tôi tin rằng hàng si sẽ luôn có chỗ đứng", bà Hương nêu quan điểm.