Nhật Bản sẵn sàng tiếp nhận hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam
(LĐXH)-Đó là tín hiệu vui do ông Phan Tiến Hoàng - Trưởng Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thông tin tại buổi đến thăm và làm việc ngày 31/10/2018 của đoàn công tác Tạp chí Lao động và Xã hội do TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập làm trưởng đoàn.
Thông tin với đoàn công tác của Tạp chí Lao động và Xã hội và đại diện lãnh đạo một số Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Nam Định, Hà Tĩnh, Sơn La, Sóc Trăng về tình hình lao động Việt Nam tại Nhật Bản, đồng chí Phan Tiến Hoàng cho biết: Đến thời điểm hiện nay, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản là gần 150.000 người, trong đó, hơn 90% là thực tập sinh đi theo Chương trình thực tập kỹ năng.
Trong 5 năm gần đây, số thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật tăng mạnh do nhu cầu tiếp nhận của Nhật khá lớn và chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, nhất là trình độ tiếng Nhật, kỹ năng nghề và ý thức tổ chức kỷ luật. Trong thời gian tới, Nhật tiếp tục có nhu cầu cao đối với thực tập sinh nói chung và nhất là thực tập sinh hộ lý nói riêng.
Điều dưỡng và hộ lý đi theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA) được phía Nhật đánh giá rất cao. Hiện có 3 nước đưa điều dưỡng và hộ lý sang Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế, gồm Indonesia, Philippin và Việt Nam. Indonesia và Philippin đưa lao động sang Nhật làm việc theo chương trình này từ năm 2010, còn Việt Nam mới thực hiện đưa đi từ năm 2014. Tuy nhiên, chất lượng của điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được phía Nhật đánh giá rất cao. Theo quy định của Chương trình, đối với điều dưỡng thường sau một năm trở lên được tham gia kỳ thi quốc gia của Nhật để họ lấy bằng quốc gia. Có được tấm bằng đó họ sẽ được chuyển sang tư cách là lao động. Và có thể đưa người nhà sang và có thể làm với mức lương cao hơn. Đối với hộ lý cũng vậy, đến năm thứ 4, lao động sẽ phải tham gia thi, thi đỗ thì họ mới đủ điều kiện được chuyển visa. Tháng 2/2018, đoàn hộ lý đầu tiên của Việt Nam đã dự thi và đạt tỷ lệ đỗ 93,7%, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ đỗ bình quân của hộ lý người Nhật (trên 70%). Chính vì vậy, Chính phủ Nhật và người Nhật nói chung đánh giá rất cao chất lượng hộ lý và điều dưỡng Việt Nam theo Chương trình JVEPA. Theo đó, họ kỳ vọng tiếp nhận nhiều thực tập sinh hộ lý Việt Nam theo chương trình thực tập kỹ năng.
Chính phủ Nhật Bản đặt ra yêu cầu và điều kiện khá cao đối với thực tập sinh hộ lý nước ngoài như: yêu cầu trình độ tiếng Nhật phải đạt N4 hoặc tương đương khi nhập cảnh và N3 hoặc tương đương sau 01 năm thực tập. Điều đó cho thấy phía Nhật Bản rất thận trọng trong việc tiếp nhận thực tập sinh hộ lý nước ngoài. Để đảm bảo việc thực hiện chương trình và hạn chế những vấn đề nảy sinh của ngành nghề này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trương thực hiện một cách thận trọng, từng bước thí điểm đưa thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản. Do đó, cuối tháng 9 vừa rồi, đoàn thực tập sinh hộ lý đầu tiên của Việt Nam mới nhập cảnh vào Nhật Bản sau gần 1 năm Chính phủ Nhật Bản cho phép tiếp nhận thực tập sinh hộ lý nước ngoài (tháng 11/2017). Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện hợp đồng của các bên, chủ động nắm tình hình và thường xuyên thăm hỏi để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.
Cũng theo ông Hoàng, do tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, Nhật Bản ngày càng có nhu cầu cao tiếp nhận nhân lực nước ngoài. Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét sửa đổi, bổ sung Luật quản lý xuất nhập cảnh, bổ sung tư cách lưu trú mới là “kỹ năng đặc biệt 1” và “kỹ năng đặc biệt 2”. Nếu được thông qua, lao động phổ thông nước ngoài đáp ứng đầy đủ yêu cầu về trình độ tiếng Nhật và kỹ năng sẽ được vào Nhật Bản làm việc. Đây là cơ hội lớn cho lao động nước ngoài nói chung, lao động Việt Nam nói riêng sang Nhật Bản làm việc./.
Cũng theo ông Hoàng, do tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, Nhật Bản ngày càng có nhu cầu cao tiếp nhận nhân lực nước ngoài. Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét sửa đổi, bổ sung Luật quản lý xuất nhập cảnh, bổ sung tư cách lưu trú mới là “kỹ năng đặc biệt 1” và “kỹ năng đặc biệt 2”. Nếu được thông qua, lao động phổ thông nước ngoài đáp ứng đầy đủ yêu cầu về trình độ tiếng Nhật và kỹ năng sẽ được vào Nhật Bản làm việc. Đây là cơ hội lớn cho lao động nước ngoài nói chung, lao động Việt Nam nói riêng sang Nhật Bản làm việc./.
Thanh Phúc - Mỹ Hạnh
TAG: