Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Nguy cơ mất việc làm đối với lao động nữ trong cuộc cách mạng 4.0
03:59 PM 08/10/2018
(LĐXH) Trong tình hình mới, vai trò của giới nữ đang ngày được nâng cao, họ đã có nhiều đóng góp trí tuệ, tâm sức vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, cách mạng 4.0 sẽ tác động trực tiếp tới gia đình và đời sống của lao động nữ.
Cách mạng 4.0 diễn ra, dự báo đem lại những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn, đồng thời kèm theo nhiều nguy cơ mất việc làm, nhất là trong những ngành nghề, việc làm giản đơn.
Theo quy luật, những ai không theo kịp với sự phát triển của công nghệ sẽ bị đào thải. Nữ công nhân Việt Nam, những người trước nay vốn quen với nếp sinh hoạt đi làm, về nhà nấu nướng, chăm con, ít khi tiếp xúc với công nghệ chính là đối tượng đầu tiên phải chịu tác động của cuộc cách mạng này.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lao động nữ tham gia thị trường lao động chiếm tỉ lệ cao so với thế giới, luôn giữ ở mức ổn định 48 - 49%. Phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng bên cạnh thiên chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái, họ còn có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia.
Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ đã và đang mang lại nhiều tiến bộ về năng suất lao động, song với những thay đổi nhu cầu sử dụng lao động trong tình hình cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đặt ra nhiều thách thức với lao động nữ.
Theo như nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế, dự kiến sẽ có khoảng 800 triệu nhân công trên toàn thế giới mất việc làm vì robot và tự động hóa vào năm 2030, tương đương 1/5 lực lượng lao động toàn cầu hiện nay. Bản chất của cuộc cách mạng này là đưa trí tuệ nhân tạo – những cỗ máy thông minh vào các dây chuyền sản xuất để thay thế cho con người.
Và khi điều đó xảy ra, nhiều công nhân lao động đang trực tiếp đứng máy sẽ bị thay thế bởi các cỗ máy dẫn đến tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là lao động nữ. Trên thực tế, các ngành công nghiệp có thâm niên lâu đời ở Việt Nam như ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử… phần lớn sử dụng lao động là nữ, có nhà máy sử dụng tới 80-90% lao động nữ. Điều đáng nói, đây cũng chính là những lĩnh vực sẽ được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo một cách triệt để nhất.
Nguy cơ đã hiện hữu rõ trước mắt nhưng chính các công nhân nữ lại thờ ơ với việc học tập nâng cao tay nghề. Chị Thu Huyền công nhân của một doanh nghiệp trong KCN Sài Đồng, Long Biên hằng ngày chỉ biết lên công ty ôm lấy cái máy trong hệ thống dây chuyền chuyên sản xuất dây dẫn điện dùng cho ô tô, xe máy, lúc trở về nhà thú vui duy nhất là lướt facebook, xem phim.
Khi được hỏi về việc học tập, nâng cao tay nghề, chị Huyền cho rằng công việc của mình rất đơn giản, lúc học nghề ở trong trường đã được đào tạo rồi nên không cần phải học thêm làm gì. “Công việc của mình bắt đầu từ 6 giờ sáng đến tận 6 giờ tối, thời gian rất hạn chế, công việc không có gì phức tạp nên lúc về nhà ngoài việc nấu ăn, ngủ nghỉ và lướt facebook, xem phim thì mình chẳng muốn học thêm gì cả”. Chị Huyền chia sẻ.
Lao động nữ cần tích cực tự đào tạo, nâng cao trình độ để đối phó với nguy cơ mất việc làm
trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cũng giống với chị Huyền, nhiều công nhân nữ, đặc biệt là những công nhân đã có gia đình đều lắc đầu ngán ngẩm trước việc học tập nâng cao tay nghề. Chị Trần Thị Lan Anh (Công ty Hanel, Sài Đồng, Long Biên) cho biết: “Tôi đã có gia đình, mỗi ngày đều làm việc ở công ty từ sáng đến tối. Thời gian còn lại đều dành hết việc chăm con, chăm sóc gia đình, thực sự không có thời gian để học hành hay bận tâm thêm vấn đề gì nữa”. Chồng chị Lan Anh cũng góp lời thêm: “Anh chị già rồi, học hành thêm chả để làm gì, cứ làm đều cuối tháng lấy lương là xong”. Trong khi hai vợ chồng anh chị chỉ mới hơn 35 tuổi.
Trong tình hình mới, vai trò của giới nữ đang ngày được nâng cao, họ đã có nhiều đóng góp trí tuệ, tâm sức vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, cách mạng 4.0 sẽ tác động trực tiếp tới gia đình và đời sống của lao động nữ. Bởi vì, lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp, làm việc trong các ngành thâm dụng lao động, chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững, nên họ rất dễ bị mất việc làm trong cuộc cách mạng công nghiệp này.
Đặc biệt, tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ ở tuổi 35 trở lên, đang là vấn đề nổi lên trong thị trường lao động, khiến lao động nữ phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm thu nhập, thậm chí mất nguồn thu nhập do giảm giờ làm hoặc mất việc làm. Hạn chế, và khó khăn trong vấn đề gia đình, cuộc sống của lao động nữ là đều dễ hiểu. Tuy nhiên, đứng trước cuộc cách mạng 4.0 nếu không thường xuyên học tập và nâng cao trình độ cũng như tay nghề thì việc bị đào thải là tất yếu.
Trong các buổi tọa đàm về thách thức của công nhân trong bối cảnh cách mạng 4.0 diễn ra, TS Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, "cuộc chiến" việc làm giữa máy móc và con người phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng 4.0 như thế nào.
Quan trọng nhất là nhìn ra xu hướng để có sự chuẩn bị; nếu không có sự chuẩn bị thì sẽ bị thay thế, còn mức độ bị thay thế như thế nào phụ thuộc vào chính mỗi người lao động và cơ quan quản lý. Với người lao động, cần chuẩn bị đào tạo, tự đào tạo, trau dồi liên tục, không phải học tập suốt đời mà học tập suốt ngày để nâng cao trình độ.
Cơ quan Nhà nước cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là những ngành, nghề mới xuất hiện như lập trình robot, sản xuất robot, tự động hóa; công tác dự báo, thông tin thị trường lao động cập nhật liên tục.
Đối với những người lao động yếu thế trong cuộc cách mạng 4.0, cần phải xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi, chính sách tạo việc làm cho người dễ bị tổn thương trong xã hội. Đồng thời, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động khi thất nghiệp để giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Với riêng phụ nữ, khi nền kinh tế mỗi ngày một tự động hóa cao, lao động trong nhiều ngành nghề sẽ biến động rất lớn. Muốn nắm bắt được các lợi thế trong thời đại mới, điều quan trọng là phụ nữ cần được trang bị các phương pháp tư duy mới để tạo ra sự khác biệt và tận dụng tối đa cơ hội có được. Cụ thể, bên cạnh việc tự trang bị kiến thức và kỹ năng, tiếp cận công nghệ mới, việc lựa chọn ngành nghề, hình thức và phương thức lập nghiệp cũng phải có những thay đổi cơ bản.
Mỹ Linh

 

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật