Người thương binh vượt khó làm giàu Hiệp Hòa - Bắc Giang
Thương binh hạng 4/4 Nguyễn Văn Thiết (SN 1964), thôn Hòa Tiến, xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) được biết đến bởi ý chí vượt khó, chiến thắng thương tật, làm kinh tế giỏi. Không những vậy, ông còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, tô thắm truyền thống vẻ vang và phẩm chất của các thế hệ bộ đội Cụ Hồ.
Nhập ngũ năm 1982, ông Thiết được biên chế vào Lữ đoàn Pháo binh 380, đứng chân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thường xuyên di chuyển trên các tuyến đường hiểm trở núi cao, vực sâu, không may trong một lần làm nhiệm vụ, xe ô tô chở ông và đồng đội lao xuống vực khi đổ đèo. Bị thương nặng phải điều trị một thời gian dài, sau vài năm, ông Thiết xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 22%. Được trở về quê hương nhưng người cựu binh lại đau đáu một nỗi niềm bởi mọi dự định, hoài bão dường như khép lại khi ông hình dung ra những khó khăn, vất vả mà sắp tới mình phải trải qua.
Thương binh Nguyễn Văn Thiết chăm sóc bưởi Diễn
Sau một thời gian rèn luyện để lấy lại sức khỏe, ông Thiết tìm cách thoát nghèo. Ông chia sẻ: "Xác định con đường vượt khó của mình sẽ có rất nhiều gian nan nhưng tôi quyết không lùi bước". Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, ông cùng vợ tìm mọi hướng để ổn định cuộc sống, từ nấu rượu, chạy chợ, thu mua nông sản đến làm phụ vữa... Có những hôm trái gió, trở trời, vết thương đau nhức nhưng ông Thiết luôn tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để nuôi các con ăn học.
Sau nhiều năm vất vả, có được số vốn ban đầu, năm 2011, ông bàn với vợ mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng và người thân đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, kết hợp trồng cây ăn quả, bắt đầu hành trình làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Không quản ngại nắng mưa, người lính năm xưa nhiều lần đến Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Ông còn nghiên cứu sách báo, tham quan một số mô hình ở nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm. Trời không phụ lòng người, đến nay, trang trại tổng hợp của gia đình thương binh Nguyễn Văn Thiết có quy mô 500 gà thương phẩm, hơn 100 con lợn nái, lợn thịt/lứa và hơn 100 gốc bưởi, cam. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm, ông thu lãi 400-500 triệu đồng. Để chủ động phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, ông tham gia lớp sơ cấp về bảo vệ thực vật, đồng thời mở cửa hàng kinh doanh các loại thuốc bảo vệ cây trồng. Từ một hộ nghèo, với tinh thần vượt khó, người thương binh này từng bước tạo lập được cơ ngơi khang trang, kinh tế gia đình khá giả. Từ đó, ông có điều kiện chăm lo cho các con học hành. Hiện cả ba người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.
Thành công trong phát triển kinh tế, thương binh Nguyễn Văn Thiết luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh kém may mắn, nhất là những hội viên Hội Cựu chiến binh xã. Nhiều hộ được ông cho vay vốn không lấy lãi, bán phân bón, thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng mô hình kinh tế nên đã vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo ông Hoàng Minh Viên, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, trong thời gian đảm nhận vai trò phó thôn, ông Thiết luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào ở thôn, xã. Tiêu biểu như làm đường giao thông nông thôn, ông cùng các thành viên trong ban quản lý thôn không ngại vất vả, trực tiếp đến vận động từng hộ dân đóng góp kinh phí, hiến đất, tháo dỡ công trình, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ghi nhận những nỗ lực của bản thân và đóng góp cho quê hương, thương binh Nguyễn Văn Thiết được Hội cựu chiến binh các cấp, UBND huyện, xã khen thưởng. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7, ông là một trong 5 cá nhân tiêu biểu của tỉnh được đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen.
PV
TAG: