Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Người thương binh làm giàu trên mảnh đất Sơn La
03:35 PM 25/06/2019
(LĐXH) Vượt qua khó khăn, vất vả đời thường, bệnh binh Lèo Văn Hặc, sinh năm 1952 (ở bản Nong Nưa, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội, trở thành tấm gương sáng về phát huy phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” trong thời bình.
Giữa một vườn cà phê bạt ngàn, xanh mướt, khách tham quan chúng tôi không khỏi trầm trồ, thán phục trước cơ ngơi bề thế như vậy. 10 năm trước, không ai nghĩ được những gia đình như bệnh binh Lèo Văn Hặc ở từ chỗ chật vật với mấy nương sắn chỉ đủ cái ăn, cái mặc, lại có thể trở thành một “triệu phú cà phê” trên mảnh đất vốn được coi là xứ sở của cây ngô.
Tham gia quân ngũ từ năm 1972 đến năm 1986, trải qua 14 năm, ông Lèo Văn Hặc được Nhà nước giải quyết chế độ bệnh binh 61% trở về địa phương. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khi đó rất khó khăn, vợ là nông dân với 5 con nhỏ, và ông chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Năm 1996, gia đình bệnh binh Lèo Văn Hặc bắt đầu trồng mía với tổng diện tích hơn 1 ha cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường Sơn La. Khi đã có vốn, ông mở thêm trang trại nuôi lợn thịt và lợn giống để bán, nhờ đó kinh tế gia đình cũng dần dần được nâng lên.
Năm 1999, ông tham gia Hội Cựu chiến binh xã Chiềng Ban và đến năm 2000, được bầu làm Trưởng bản Nong Nưa. Từ năm 2012 đến nay, ông làm Bí thư Chi bộ Bản Nong Nưa. Với vai trò là Bí thư Chi bộ Bản, ông luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm tuyền truyền vận động bà con nhân dân trong bản thực hiện tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tuyên truyền cho tầng lớp thanh niên không tham gia các tệ nạn xã hội, bà con nhân dân đóng góp vốn đối ứng để làm đường giao thông nông thôn… Bản thân ông luôn ý thức tự giác thực hiện giáo dục vợ con, gia đình chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện đúng quy ước, hương ước của bản, xã đề ra. Đoàn kết, giúp đỡ anh, em hàng xóm, láng giềng thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân ở địa bàn cư trú. Bên cạnh việc tham gia phát triển kinh tế cho gia đình, với cương vị là Bí thư chi bộ bản Nong Nưa, ông Lèo Văn Hặc đã giúp đỡ bà con và những cựu chiến binh trên địa bàn huyện làm ăn thoát nghèo bằng chính kinh nghiệm trồng cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình mình.

Bệnh binh Lèo Văn Hặc nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình 
Trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, ông đã tích cực học hỏi tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp do các hội khuyến nông, hội nông dân các cấp xã, huyện, tỉnh tổ chức nhằm nâng cao kiến thức và kỹ thuật cho bản thân để áp dụng vào phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả trên diện tích sản xuất của gia đình. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các văn bản hướng dẫn của tỉnh, huyện và Đảng bộ xã Chiềng Ban về chương trình hành động vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây con có năng suất cao, gia đình ông đã tích cực tham gia. Năm 2006, khi tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh, ông Lèo Văn Hặc may mắn gặp lại người đồng đội năm xưa cùng mình gắn bó suốt những năm tháng xông pha trận mạc. Ông Nguyễn Văn Đích, người lính cùng đơn vị năm xưa là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mai Sơn. Rời quân ngũ, ông Đích trở về quê hương và bắt tay làm kinh tế bằng cây cà phê. Họ lại giúp nhau làm giàu bằng chính kinh nghiệm làm kinh tế đã tích lũy trong suốt những năm tháng từ khi rời quân ngũ. Nghe lời khuyên của ông Đích, ông Hặc về bảo ban các con trồng cà phê thay vì trồng ngô, sắn.
Thời gian đầu, trồng diện tích nhỏ cho thu hoạch không lớn nhưng nhận thấy việc tiêu thụ thuận lợi, gia đình ông tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cà phê trong vườn nhà và thêm 2 vườn nữa ngoài ruộng. Một số mô hình trồng cây cà phê hiệu quả tại huyện Mai Sơn đã góp phần thúc đẩy nhu cầu nhân rộng diện tích trên địa bàn huyện. Nắm bắt xu hướng này, năm 2007 - 2008, ông Đích bày cho ông Hặc lên bản Chăm Biên, xã Chiềng Rong thuê đất để trồng cà phê, năm đầu chỉ với 20.000 cây, từ năm thứ hai trở đi nhân lên thành 30.000 - 40.000 cây. Số cây giống này, ông Hặc bán cho người dân có nhu cầu trồng cà phê tại xã Chiềng Rong, xã Chiềng Chung và nhiều anh em cựu chiến binh trong huyện. Hiện nay, diện tích cà phê của gia đình ông Lèo Văn Hặc khoảng 6 và sản lượng cà phê hàng năm đạt từ 10 – 15 tấn quả tươi/1ha.
Ngoài ra, gia đình ông còn thu mua cà phê tươi về sơ chế bán cho doanh nghiệp. Nhờ chăm chỉ, tích cực tìm tòi hướng làm ăn, kinh tế gia đình bệnh binh Lèo Văn Hặc đã khấm khá hơn. Năm 2014, tổng thu nhập từ chăn nuôi và cà phê của gia đình ông đạt 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 300 triệu đồng. Trong năm 2015, thu nhập từ chăn nuôi và cà phê, thu mua cà phê nâng lên đạt 1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí gia đình thu về 600 triệu đồng. Và năm 2016, thu nhập từ chăn nuôi và cà phê, góp vào Trung tâm dạy nghề cơ khí Sơn La 3 ô tô, gia đình ông thu nhập 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí 800 triệu đồng, còn 1 tỷ đồng. Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình bệnh binh Lèo Văn Hặc, ở Bản Nong Nưa  xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn còn nhận hỗ trợ, giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho 5 hộ trong bản, với 10-15 lao động có việc làm thường xuyên, mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, qua đó giúp họ cải thiệu đời sống, xóa đói giảm nghèo để vươn lên.
Từ ông Đích, ông Hặc, nhiều cựu chiến binh tại huyện Mai Sơn đã triển khai trồng cà phê với diện tích ngày càng mở rộng và tạo thu nhập hàng năm ổn định. Họ chia sẻ với nhau cách thức làm ăn bài bản, từ cây giống, trồng trọt, chăm sóc đến việc thu hái, tiêu thụ. Chính mô hình liên kết chặt chẽ giữa các cựu chiến binh trên địa bàn huyện Mai Sơn đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều gia đình nông dân thoát nghèo. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, tiện nghi đã xuất hiện ngày một nhiều ở các bản làng nghèo khó trước kia. Những con đường liên thôn, liên xã dần được bê tông hóa kèm theo sự xuất hiện những chiếc ô tô của các ông chủ vườn cà phê. Ông Lèo Văn Hặc chia sẻ: “Trước đây trồng sắn của cải chẳng có gì, từ khi chuyển sang trồng cây cà phê gia đình mới có của ăn của để, con cái trưởng thành có nghề nghiệp ổn định. Hiện nay, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ giống cây này”.
Nhớ lại quãng thời gian 8 năm từ lúc bắt tay ươm trồng những cây cà phê đầu tiên trong vườn nhà, ông Hặc không khỏi xúc động chia sẻ sự biết ơn đối với Agribank chi nhánh huyện Mai Sơn. Số tiền 30 triệu đồng vốn vay ban đầu năm 2006 đã giúp gia đình ông bắt đầu một sự thử nghiệm mới với đầy mong mỏi, khao khát thoát nghèo. Trồng cà phê là một sự lựa chọn đúng đắn, so với các loại cây trồng phổ biến tại Sơn La, cà phê cho thu nhập cao hơn. Hơn nữa, so với sắn và ngô, cây cà phê không cần đầu tư nhiều. Người nông dân mất một năm trồng đầu tiên, sau đó tập trung vào chăm sóc. Hai loại cây trồng kia hàng năm đều phải tái đầu tư tất cả các khâu. Việc thu hái và tiêu thụ của cây cà phê cũng thuận lợi hơn, trung bình, từ năm thứ 3, thứ 4, mỗi ha cà phê thu hoạch 30 - 40 tấn, năm thứ 5 trở đi sản lượng giảm dần, dao động ở mức 25 - 30 tấn.
Ông Lèo Văn Hặc cho biết, mùa chăm sóc, do nhu cầu vốn tăng cao, gia đình ông cũng như nhiều hộ trồng cà phê khác vay tới 500 - 600 triệu đồng. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn phát triển cây cà phê. Đồng thời, ngân hàng còn giới thiệu các công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm có uy tín để bà con tin tưởng lựa chọn. Cách làm này đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người nông dân cũng như các đối tượng vay vốn, vừa tạo được mối quan hệ khép kín từ khâu đầu vào đến tiêu thụ, vừa đảm bảo an toàn vốn tín dụng cho ngân hàng. Cơ chế tạo điều kiện về vốn vay của ngân hàng đã giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn tiếp cận và phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát nghèo và làm giàu bằng chính sức lao động của bản thân.
Tuy nhiên, việc thu mua cà phê đã qua sơ chế dù giá cả có những năm thất thường nhưng so với các loại cây khác vẫn được đánh giá là loại cây trồng cho thu nhập ổn định và cao hơn. Trong tương lai, cây cà phê với những giá trị đã được minh chứng bằng chính thương hiệu “cà phê Chiềng Ban” sẽ trở thành loại cây trồng chủ đạo để làm giàu cho bà con nông dân ở một tỉnh miền núi Tây Bắc còn nhiều tiềm năng phát triển như Sơn La. Theo bệnh binh Lèo Văn Hặc, có được những kết quả trên, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện, xã đưa ra các chủ trương chính sách về hỗ trợ cho nông dân làm mô hình phát triển kinh tế. Cùng với đó là thường xuyên mở các lớp tập huấn cho nông dân về hướng dẫn sử dụng phân bón, cách ứng dụng các công nghệ vào trong sản xuất. Để cây cà phê phát triển bền vững cho năng suất và thu nhập cao, cần phải đầu tư kinh phí tương đối lớn so với các loại cây trồng khác, ứng dụng đúng các quy trình kỹ thuật vào canh tác, như: bón phân, kỹ thuật trồng, tỉa cành tạo tàn, phòng trừ sâu bệnh…; liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong triển khai thực hiện trồng cây cà phê trên địa bàn; lồng ghép giữa phát triển cây cà phê gắn với các mô hình chăn nuôi như mô hình cà phê – gà thả vườn, cà phê- nuôi mật ong…
Tấm gương bệnh binh khắc phục khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi như ông Lèo Văn Hặc thật đáng khâm phục. Họ là những tấm gương sáng ngời phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ./.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Xúc động nghĩa cử của Công ty Hoa quả Phương Toản với gia đình thương binh ở Thanh Hóa
Đề xuất xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2025
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2024
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai