Người dân miền núi ở Hà Tĩnh thoát nghèo nhờ cây chè
Những vùng đất bỏ hoang, canh tác không hiệu quả được thay thế bằng cánh đồng chè xanh ngát đã giúp người dân xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bạt ngàn màu xanh trên dải đất cằn
Gồng gánh những khắc nghiệt từ thiên nhiên, Hà Tĩnh là địa phương còn gặp nhiều khó khăn ở dải đất miền Trung. Những năm gần đây, trên mảnh đất cằn cỗi cộng với khí hậu khắc nghiệt ở các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh… được phủ màu xanh ngút ngàn của những đồi chè.
Ngày đầu Xuân, chúng tôi về thăm xã Sơn Tây để tìm hiểu về giống cây chủ lực đưa một xã thuần nông vươn lên thoát nghèo và có mức thu nhập cao, ổn định ở huyện miền núi Hương Sơn.
Bà Lê Thị Hợi một hộ dân trồng chè chia sẻ, là một gia đình thuần nông nên từ mấy chục năm này cả gia đình đều gắn bó với ruộng vườn. Mấy năm gần đây, nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân chúng tôi được cán bộ xuống chỉ dạy cho các yếu tố kỹ thuật đưa cây chè vào thay thế cho các cây nông nghiệp ngắn ngày, giúp người dân có nguồn thu nhập cao hơn.
"Búp chè sau khi thu hoạch sẽ được Xí nghiệp chè Tây Sơn hoặc Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng nền kinh tế mới Tây Sơn thu mua nên không lo về đầu ra.
Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón theo chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhiều hộ gia đình còn chủ động đầu tư thêm vốn, tận dụng những đồi đất còn bỏ trống để trồng bổ sung, mở rộng diện tích", bà Hợi cho cho biết thêm.
Ông Lê Văn Cường, một hộ có diện tích chè lớn nhất trong thôn cho hay: "Ban đầu gia đình chỉ trồng vài sào (1 sào = 500m2) chè nhưng nhận thấy hiệu quả nên đã mở rộng hết diện tích đất của gia đình. Nhờ liên kết với doanh nghiệp nên chúng tôi không phải lo về đầu ra của sản phẩm. Cây chè không những làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi, bà con xã Sơn Tây mà trồng chè theo quy trình VietGAP cũng giúp tôi thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm".
Theo ông Cường, trước đây gia đình ông trồng lúa, nếu thời tiết thuận lợi một năm trồng được 2 vụ với năng suất 350kg/sào tương đương 2 vụ 700kg, với giá lúa 8.000 đồng/1kg. Tuy nhiên, các chi phí tiền công, phân bón,… chiếm mất 50% lợi nhuận, trong khi đó trồng chè chi phí thấp hơn, mang lại nguồn lợi kinh tế gấp nhiều lần nên ông và nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô trồng chè.
"Để có chè ngon, ngoài yếu tố đất đai, khí hậu, quy trình chăm sóc đóng vai trò quan trọng. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ cho chè thơm ngon, đậm vị. Vì vậy, để chè phát triển tốt, thu hoạch đến đâu, chúng tôi tập trung chăm bón đến đó.
Sau khi cắt bỏ hết cành, làm sạch cỏ, chúng tôi lên núi tìm cây bổi về phủ ở các rãnh quanh gốc, kết hợp bón phân để vừa tạo độ mùn, độ ẩm, tơi xốp cho đất, vừa hạn chế cỏ mọc. Xuân sang, chè sẽ đâm chồi nảy lộc, chất lượng thơm ngon", ông Sơn hồ hởi nói.
Đổi đời nhờ cây chè
Chia sẻ về vùng nguyên liệu mới ở Tây Sơn, ông Cao Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Sơn Tây nói, từ năm 2002 cây chè đã được người dân trồng rải rác trên đất ven đồi (6ha- 10ha) nhưng do một thời gian quá trình liên kết với xí nghiệp có một chút trục trặc nên người dân không liên kết nữa. Cho đến năm 2014, khi việc liên kết đã ổn định, người dân bắt đầu trồng chè trở lại và mở rộng diện tích.
Các vườn chè được áp dụng khoa học kỹ thuật nên mang lại năng suất và chất lượng cao.
Được xí nghiệp hỗ trợ về giống, phân bón, cũng như kỹ thuật nên việc trồng chè của người dân trở nên dễ dàng hơn. Sau khi nhìn thấy hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế, người dân bắt đầu chuyển đổi từ các vùng đất kém phát triển sang trồng chè, thậm chí có những vùng đất màu mỡ cũng chuyển đổi để cho sản lượng chè cao hơn.
Theo ông Phan Duy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây, để giúp người dân có đầu ra ổn định xã có định hướng cho người dân liên kết với Xí nghiệp chè Tây Sơn hoặc Tổng đội thanh niên xung phong.
Ngoài ra, để giúp người dân phát triển vùng nguyên liệu UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn, xí nghiệp cũng có những chính sách để hỗ trợ như: Hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để làm đất, 700 đồng/cây giống, kỹ thuật…
Vị Phó chủ tịch xã chia sẻ, riêng năm 2020 xã Sơn Tây đã trồng mới thêm được 6ha chè, phấn đấu năm 2021 xã sẽ cho trồng thêm 8ha nữa. Đối với xã thuần nông như xã Sơn Tây thì trồng chè và trồng rừng là cây trồng chủ lực mà mang lại nền kinh tế ổn định, thậm chí có những hộ có mức thu nhập cao.
Hiện tại, xã Sơn Tây có 331 hộ tham gia trồng chè, với tổng diện tích 270ha, sản lượng đạt 8.100 tấn/năm. Với giá bán hiện tại, đối với chè búp là 6.000 đồng/1kg, trong khi đó cho thu hoạch 9 tháng liên tục, nên so với việc trồng lúa cũng như các hoa màu ngắn ngày thì cây chè mang lại hiệu quả gấp 5 lần.
Sản xuất chè ở xã Sơn Tây đang theo hướng công nghiệp, được doanh nghiệp phối hợp với các hộ dân theo mô hình khép kín từ hỗ trợ tài chính, giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè đã gắn kết chặt chẽ, hai bên cùng có lợi: Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng để sản xuất bền vững; hộ trồng chè có cơ sở trong suốt quá trình sản xuất đến tiêu thụ nên không xảy ra hiện tượng thu mua bấp bênh, được mùa - mất giá.
"Nghề này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ thu nhập 40-50 triệu đồng/sào chè. Đây chính là một trong những hướng đi mà bà con cũng như chính quyền địa phương nơi đây đang cố gắng thực hiện.", ông Ngọc phấn khởi nói./.
Tiến Hiệp
TAG: