Nghệ An triển khai kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh
(LĐXH)- Ngày 20/3, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND thực hiện phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Kế hoạch được xây dựng nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao trong Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để triển khai thực hiện trong năm 2023.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như:
- Ít nhất có 70% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên.
- Thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên các cơ quan báo chí cấp tỉnh và cấp huyện ít nhất một tháng một lần.
- Ít nhất 70% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, ít nhất 60% lao động trong các khu công nghiệp, 70% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
- 100% các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm.
- 100% tố giác, tin báo, khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời.
- Ít nhất 60% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng…
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mại dâm; đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc xây dựng hoạt động can thiệp giảm hại, phòng, chống mại dâm và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm hoàn lương phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở, như: Chương trình an sinh xã hội; phòng, chống ma túy; phòng, chống HIV/AIDS.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm. Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.
Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan; trong đó, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn, theo dõi và giám sát việc triển khai Kế hoạch, định kỳ kiểm tra, đánh giá tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.
Hồng Hà
TAG: