Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang đồng hành cùng người nghèo trong dịch bệnh Covid-19
(LĐXH) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cả hệ thống NHCSXH nói chung, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang nói riêng đã và đang hướng dẫn khách hàng đến giao dịch tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn diễn ra an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác yên tâm SXKD.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, từ cuối tháng 4/2021 trở lại đây đã xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 mới tại tỉnh Bắc Giang. Đến ngày 26/5 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 ổ dịch; tổng số trường hợp F0 là 1399 ca. Toàn tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly y tế 92 thôn, tổ dân phố; giãn cách xã hội 28 xã, phường, thị trấn, 15 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội bốn huyện; giãn cách xã hội thành phố Bắc Giang. Đến thời điểm hiện tại, Bắc Giang là địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất do dợt dịch bệnh Covid-19 mới lần thứ tư. Tỉnh Bắc Giang đang gặp nhiều khó khăn do vừa phải tập trung thực hiện công tác chống dịch, dập dịch, vừa phải giải quyết vấn đề giảm thiểu tác động đến kinh tế - xã hội của địa phương do ảnh hưởng dịch.
Nhìn chung, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của chính phủ, tỉnh, huyện và đơn vị đã triển khai các biện pháp cụ thể để phòng, tránh dịch bệnh, như: tổ chức sắp xếp và phân chia thời gian phục vụ khách hàng đến giao dịch tại Chi nhánh và các điểm giao dịch; khử trùng nơi làm việc, thực hiện trang bị khẩu trang, đo thân nhiệt cho khách hàng và yêu cầu khách hàng thực hiện sát khuẩn trước, sau khi giao dịch. Bên cạnh đó, cán bộ, công nhân viên chức trong mỗi đơn vị đã tích cực tuyên truyền đến các tổ tiết kiệm & vay vốn và các hộ vay thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch, khai báo y tế tự nguyện cho bản thân và gia đình.
Cán bộ NHCSXH thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và trang bị tấm chắn nhựa khi làm việc với khách hàng
Tại Bắc Giang, điểm nóng của tình hình dịch Covid-19 thời gian gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Động đã triển khai nhiều biện pháp để vừa bảo vệ sức khỏe cán bộ, viên chức, người lao động và khách hàng trực tiếp đến giao dịch; vừa đảm bảo đủ nguồn vốn để hỗ trợ nhu cầu về vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách cũng như cùng chung tay với huyện tháo gỡ khó khăn cho hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, triển khai các biện pháp để đảm bảo sức khỏe, giúp cán bộ yên tâm làm việc.
Ông Lưu Văn Hạnh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Sơn Động trao kinh phí ủng hộ Uỷ ban MTTQ huyện phòng, chống dịch.
Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi phòng, chống dịch Covid-19 của Uỷ ban MTTQ huyện Sơn Động, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phát động toàn thể cán bộ đóng góp một ngày lương và trích Quỹ Công đoàn 10 triệu đồng hỗ trợ BCĐ huyện trong công tác phòng, chống dịch. Cùng lúc đó, phát động cán bộ trong đơn vị quyên góp nhu yếu phẩm ủng hộ các xã An Bá, Lệ Viễn, Hữu Sản có một số thôn bị thiết lập y tế, giãn cách xã hội với số tiền 6 triệu đồng. Để có thêm động lực và nguồn lực giúp người dân trong khu vực cách ly, đội ngũ cán bộ đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, Công đoàn cơ sở Hội sở chính NHCSXH kêu gọi các đoàn viên công đoàn nêu cao tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” tự nguyện đóng góp, ủng hộ nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Tính đến nay, đã có hơn 60.000 gói mỳ tôm, 20.000 bánh lương khô, 10.000 quả trứng và 1.200 chai nước khoáng với tổng số tiền hỗ trợ gần 200 triệu đồng của đoàn viên công đoàn Hội sở chính gửi tới người dân xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng đang bị cách ly bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng CSXH huyện Sơn Động ủng hộ nhu yếu phẩm phòng chống dịch cho xã Hữu Sản.
Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian này, Ngân hàng đã chú trọng thực hiện song song hai nhiệm vụ chống dịch và tăng cường giải ngân nguồn vốn giúp người dân ổn định sản xuất. Tính đến 4, đơn vị đã giải ngân 92,8 tỷ đồng cho 1.794 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính khác, tăng 40,3 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh số tổng dư nợ đến nay đạt 561,3 tỷ đồng với 12.020 khách hàng vay vốn. Với việc triển khai đa dạng các chương trình cho vay, tín dụng chính sách tiếp tục đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các vùng còn nhiều khó khăn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Trước những khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 gây ra, nguồn vốn tín dụng chính sách như một đòn bẩy đắc lực giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác được tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, tạo không khí phấn khởi trong tầng lớp nhân dân thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại diểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Trần Ngọc
TAG: