Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm
03:09 PM 14/11/2020
Ngày 13/11/2020, tại tỉnh Cao Bằng, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp Ban Tín dụng học sinh - sinh viên và các đối tượng chính sách khác (Ngân hàng Chính sách xã hội) tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Hội thảo tập trung đánh giá kết quả đạt được, chia sẻ giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, tiếp tục nâng cao hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hỗ trợ tạo việc làm của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH); đồng thời đánh giá các quy định pháp luật về chính sách tín dụng ưu đãi để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm năm 2013.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, ngày 11/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay là Quỹ quốc gia về việc làm) để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình.
Qua 28 năm hình thành và phát triển, đến nay Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 8/11/2020) với sáu nội dung sửa đổi lớn về mức vốn, lãi suất vay, thời hạn vay, điều kiện bảo đảm tiền vay, thủ tục cho vay và phân bổ nguồn vốn bổ sung cho quỹ nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho Ngân hàng CSXH tăng cường các nguồn lực huy động, cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho đối tượng vay, góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”. Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần hiệu quả trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, do đó hiệu quả tạo việc làm, hiệu quả vốn đầu tư thấp; đối tượng được vay chủ yếu là các gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận được nguồn vốn còn ít; tổng nguồn vốn còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu cần vay rất lớn của doanh nghiệp, người lao động.

Đại diện Hội Người mù Việt Nam phát biểu 
Để nâng cao hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hỗ trợ tạo việc làm của Nhà nước qua Ngân hàng CSXH Việt Nam, đồng thời đánh giá các quy định pháp luật về chính sách tín dụng ưu đãi để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm, tới đây Cục Việc làm sẽ phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban tín dụng HSSV (học sinh sinh viên) và các đối tượng chính sách khác tổ chức các hội thảo tại từng khu vực, nhằm đánh giá tổng thể hoạt động của chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thời gian qua và đề xuất sửa đổi trong giai đoạn tới.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, tính đến ngày 31/10, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm là gần 30 nghìn tỷ đồng, với hơn 2,8 triệu lượt khách hàng vay vốn, giúp cho hơn 4,3 triệu người được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được khách hàng sử dụng hiệu quả, nợ quá hạn của nguồn vốn là 44 tỷ đồng, bằng 0,15% tổng dư nợ. Trong tổng số vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm 4.564 tỷ đồng; nguồn vốn Ngân hàng CSXH huy động đạt 11.584 tỷ đồng và nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH là 13.733 tỷ đồng. Đối với 7 tổ chức chính trị-xã hội tham gia thực hiện chương trình gồm: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã đã giúp hội viên, đoàn viên, thành viên thuận lợi tiếp cận vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.  
Tính hết tháng 6/2020, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc là gần 2.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 8,7% cả nước). Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là hơn 967 tỷ đồng, của Ngân hàng CSXH là hơn 723 tỷ đồng, nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH là hơn 791 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2020, nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH tại 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc đã cho vay 11.122 dự án; hỗ trợ, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 40.000 lao động.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Bà Hoàng Thị Chương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH Việt Nam cho biết: Những năm qua, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách nói chung và cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nói riêng. Đến nay đã góp phần tích cực giải quyết cho trên 4,3 triệu lao động có việc làm với hơn 2,8 triệu lượt khách hàng được vay vốn. Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH đã thực hiện tốt việc cấp tín dụng chính sách cho các đối tượng thụ hưởng ở khắp các vùng miền, thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng đặc thù của mình. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, ngân hàng đã kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo ngân hàng các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, áp dụng chính sách gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ. Bên cạnh những kết quả đạt được còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình cho vay như nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm còn hạn chế, Ngân sách Nhà nước bổ sung hàng năm còn thấp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tham luận, thảo luận, đánh giá hiệu quả, kết quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm tại địa phương; phân tích những hạn chế, khó khăn gây hạn chế hiệu quả nguồn vốn, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn, trong đó nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm. Nhiều kiến nghị cũng đề cập nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm năm 2013 cho phù hợp thực tiễn.

PV
 
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật