Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm
10:53 AM 27/09/2023
(LĐXH)-Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, do chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình tệ nạn mại dâm có xu hướng “tạm thời” lắng xuống. Tuy nhiên, từ quý II/2022 đến nay, khi biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ, tệ nạn mại dâm xuất hiện trở lại, có chiều hướng diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng về quy mô, tính chất. Hoạt động mại dâm ở nơi công cộng hầu như ít xuất hiện, thay vào đó là những phương thức mới, thủ đoạn biến tướng, kín đáo, khó phát hiện.
Hội thảo góp ý xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm
Phức tạp mại dâm “biến tướng” sau dịch Covid-19
Hiện nay, hoạt động mại dâm “núp bóng” trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện như khách sạn, vũ trường, quán cà phê, tiệm cắt tóc, gội đầu, mát-xa... tiếp tục diễn biến phức tạp, khó phát hiện. Nhiều đối tượng hình thành các “hội nhóm kín” để tổ chức hoạt động mại dâm với sự tham gia của sinh viên, người mẫu, diễn viên, tiếp viên... Đặc biệt, tình trạng người nước ngoài đến Việt Nam tổ chức, cầm đầu các đường dây mại dâm cũng đã xuất hiện trở lại.
Hình thức phổ biến nhất hiện nay là mại dâm theo “hợp đồng”, đường dây “gái gọi”  và sử dụng công nghệ cao (qua điện thoại di động, mạng internet, facebook, zalo,...) diễn ra tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, có cả yếu tố nước ngoài thông qua các hình thức như thuê người yêu, nhận con nuôi, bố nuôi (sugar-baby, sugar-dady), tổ chức tour du lịch trong nước và ngoài nước... để tổ chức hoạt động mua bán dâm.
Trong hai năm 2022 và 2023, dư luận trong nước lại xôn xao trước một số vụ án mại dâm xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Cụ thể, ngày 25/8/2022, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an TP.HCM bắt giữ Lê Hoàng Long về tội “Môi giới mại dâm”. Theo điều tra, Long đã giới thiệu hai người đẹp có tên là T.H và T.T (khá nổi trong giới showbiz  Việt) đến bán dâm tại một khách sạn cao cấp ở quận 1 với mức giá 15.000 đô la/lần/người. Xong việc, Long thanh toán số tiền 60 triệu đồng/người, còn lại chi tiêu cá nhân. Long còn khai đã môi giới cho một số gái bán dâm khác là hoa hậu, á hậu, người đẹp trong giới showbiz ở Việt Nam và nước ngoài với giá lên đến chục nghìn đô la.
Ngày 19/07/2023, lực lượng Công an TP HCM kiểm tra khách sạn Bonka, số 884 Trần Hưng Đạo, phường 7, quận 5 và bắt giữ 2 đối tượng người Hàn Quốc là Kim Tea Hyung (SN 1975) và Cha Jinyoung (SN 1977) để điều tra về đường dây tổ chức mại dâm. Qua lời khai ban đầu, các đối tượng chỉ đạo quản lý người Việt trực tiếp điều tiếp viên nữ đến các khách sạn, chung cư trên địa bàn để bán dâm với giá từ 2,3 - 3,8 triệu đồng/lượt, khách mua dâm thanh toán trực tiếp cho quản lý nhà hàng.
Võ Thị Mỹ Hạnh tại cơ quan Công an
Mới đây, ngày 10/8/2023, cơ quan Công an đã bắt giữ Võ Thị Mỹ Hạnh (SN 1997, trú quận Gò Vấp) về hành vi Môi giới mại dâm”. Trước đó, tối 9/8, lực lượng Công an kiểm tra khách sạn trên đường Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, bắt quả tang 4 cô gái đang bán dâm. Qua điều tra ban đầu, có 03 người là tiếp viên hàng không, 01 người là hot girl kiêm người mẫu ảnh được đối tượng Hạnh cầm đầu đường dây rủ rê "đi khách" với giá 1.000 đô la/lượt và tăng lên 3.000 đô la/lượt (nếu qua đêm). Hạnh nhận tiền của khách và giữ lại 07 triệu đồng/lần "phí môi giới".
Đối tượng Hạnh cũng là tiếp viên hàng không đã nghỉ việc, đang quản lý hội nhóm với khoảng 30 gái bán dâm phục vụ nhu cầu các đại gia tại nhiều tỉnh, thành phố.
Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người bán dâm
Theo báo cáo của các địa phương trong cả nước, trong 06 tháng đầu năm 2023, có 6.088 lượt người bán dâm có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng; 7.306 lượt người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ, tư vấn (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: 100 lượt người được hỗ trợ giáo dục; 609 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 2.602 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe; 3.865 lượt người được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 05 lượt người được học nghề, tạo việc làm; 01 người được hỗ trợ vay vốn và 126 người tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ/nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực.
Sinh hoạt Câu lạc bộ phòng, chống mại dâm tại Cà Mau
Theo quy định hiện hành, tất cả người bán dâm có nhu cầu đều được tiếp cận các dịch vụ xã hội, không phân biệt giới tính, dân tộc, hoàn cảnh... nhằm hỗ trợ can thiệp giảm hại về lây nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe tình dục, phòng chống bạo lực giới,... thông qua các mô hình thí điểm hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm và lồng ghép trong các chương trình an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, người bán dâm “khó” tiếp cận với các dịch vụ xã hội do hệ thống cung cấp dịch vụ chưa “phủ sóng” ở tất cả các địa phương; người bán dâm thường bị kỳ thị nên “e ngại” khi tiếp cận với các dịch vụ...
Vì vậy thời gian tới, trong công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống mại dâm, các cấp, các ngành chức năng cần tập trung làm tốt công tác truyền thông chính sách, tư vấn về tác hại của tệ nạn mại dâm; phân loại “nhu cầu” của từng đối tượng và tư vấn, giới thiệu về các dịch vụ xã hội để người bán dâm tìm hiểu, đề xuất nhu cầu và hướng dẫn họ tiếp cận với loại hình dịch vụ xã hội phù hợp tại địa phương...
Bên cạnh đó, sau khi các vụ việc mại dâm bị lực lượng chức năng triệt phá, những người bán dâm (trừ đối tượng cầm đầu, môi giới...) và người mua dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức thấp, chưa đủ sức răn đe... do vậy, cùng với công tác phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các điểm nóng về mại dâm thì các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu tăng mức xử phạt hành chính với cả người mua dâm lẫn người bán dâm nhằm kiểm soát và kéo giảm hoạt động mại dâm. 
Triển khai xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội phù hợp
Một trong những mục tiêu, giải pháp cơ bản của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 là thực hiện thí điểm các chính sách hỗ trợ người bán dâm hoà nhập cộng đồng thông qua các mô hình thí điểm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Cục PCTNXH đã tham mưu cho Bộ chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả của giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng hỗ trợ trao quyền, tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng ngừa tệ nạn mại dâm.
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, đến tháng 6/2023, cả nước có 15 địa phương tiếp tục triển khai theo 03 khung mô hình thí điểm của Chương trình phòng, chống mại dâm (tăng 4 địa phương so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 31 địa bàn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 34 địa bàn thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 16 địa bàn triển khai mô hình tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.
Trong thực tiễn, công tác phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm còn nhiều nội dung vướng mắc, khó khăn. Để làm tốt nội dung này cần đồng bộ nhiều giải pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, thường trực của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục tham mưu cho Bộ, trình Chính phủ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm; chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, trong đó, chú trọng việc xây dựng các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Trước mắt, tổ chức thí điểm mô hình hỗ trợ người bán dâm theo hai nhóm chính sách: (1) dịch vụ can thiệp giảm hại và phòng, chống bạo lực trong phòng, chống mại dâm; (2) dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng đối với người bán dâm... dựa trên cách tiếp cận toàn diện về thời điểm hỗ trợ (người đang bán dâm có nhu cầu; người bán dâm có ý định từ bỏ hoặc giảm bớt tần suất bán dâm; người bán dâm hoàn lương) và các gói dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, toàn diện để hỗ trợ người bán dâm có nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế.
Mặt khác, nghiên cứu xây dựng “cơ chế tái hòa nhập trọn gói” có sự theo dõi, giám sát và hỗ trợ thường xuyên từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng và gia đình, bao gồm các dịch vụ như hỗ trợ y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý... tạo cơ hội cho người bán dâm chủ động tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập ổn định cuộc sống.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ người bán dâm theo nguyên tắc đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, nhất là nhóm đối tượng yếu thế; không kỳ thị, phân biệt đối xử và đáp ứng cơ bản các nhu cầu của đối tượng hỗ trợ, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em bị ép buộc bán dâm./.
Nhữ Ngọc Cương

TAG: hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm dịch vụ xã hội cho người bán dâm
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật