Nam Định: Các doanh nghiệp có vốn FDI đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 43.500 lao động trên địa bàn tỉnh
Sau 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (1987 - 2017), hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Nam Định đã phát triển mạnh, trở thành khu vực kinh tế năng động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Thời điểm tái lập tỉnh năm 1996, Nam Định gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Năm 1997, tỉnh mới chỉ có vỏn vẹn một dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất rau, củ, quả, với tổng số vốn đăng ký ở mức khiêm tốn (4,5 triệu USD). Đến nay, vốn FDI vào tỉnh Nam Định đã liên tục tăng qua các năm và đạt mức cao vào năm 2017 với tổng số vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, lũy kế đến tháng 9-2018, toàn tỉnh có 98 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 3,3 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào cả ba lĩnh vực gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp may mặc - vốn là ngành nghề truyền thống của tỉnh, da giày và phụ trợ may chiếm đa số với hơn 60 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 850 triệu USD. Nam Định có nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực này còn ít, chỉ có bảy dự án với số vốn đăng ký chiếm 0,8% tổng vốn FDI đăng ký của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư. Dẫn đầu về số lượng dự án là Hàn Quốc với 29 dự án, tổng số vốn đầu tư 228,2 triệu USD. Hồng Công (Trung Quốc) xếp thứ hai với 16 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 183 triệu USD. Những năm qua, Nam Định cũng đã bắt đầu thu hút được các dự án FDI từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp, I-ta-li-a, Hà Lan, Niu Di-lân. Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh phần lớn đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, chỉ có một số dự án đầu tư theo hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các dự án FDI có mặt ở tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh.
Giai đoạn 2006 - 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài của Nam Định chỉ đạt gần 5.787 tỷ đồng, chiếm 7,49% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nhưng đến giai đoạn 2011 - 2016 đã tăng lên hơn 36.849 tỷ đồng, chiếm 13,16% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI giai đoạn 2011 - 2016 đạt hơn 2,1 tỷ USD, chiếm hơn 57% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
KCN Bảo Minh, huyện Vụ Bản là 1 trong 3 KCN đầu tiên của tỉnh Nam Định thành lập năm 2007, KCN do Công ty CP đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh làm chủ đầu tư với quy mô diện tích 155,4 ha, đến nay đã nấp đầy 100%. KCN được đánh giá là có công trình hạ tầng, cơ sở dịch vụ khá hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Được mệnh danh là KCN kiểu mẫu của toàn miền Bắc, KCN Bảo Minh nằm ngay cạnh tuyến đường sắt quốc gia Bắc Nam và QL 10- là tuyến đường trục kinh tế huyết mạch với 4 làn xe, chạy dọc theo vùng duyên hải Bắc Bộ qua 6 tỉnh. Tính đến tháng 3/2018, KCN này có 13 nhà đầu tư thứ cấp với 14 dự án, trong đó có 2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 1.800 tỷ đồng và 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Singapore, Đức, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc) với tổng vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 435 triệu USD, đã thu hút 12.000 lao động địa phương với thu nhập 5,3 triệu đồng/người/tháng và đóng góp ngân sách tỉnh bình quân đạt 50 tỷ đồng/năm.
Tính chung, các doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thu hút, giải quyết việc làm cho khoảng 43.500 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Phạm Thị Hương, công nhân Công ty TNHH giầy AMARA Việt Nam (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh) cho biết: Trước đây, phải đi làm xa nhà, chi phí ăn, ở, sinh hoạt tốn kém. Năm 2014, Công ty TNHH giầy AMARA đầu tư dây chuyền sản xuất tại địa phương, hàng nghìn lao động trên địa bàn đã có việc làm và thu nhập ổn định. Được làm việc với dây chuyền công nghiệp hiện đại, quyền và lợi ích chính đáng được bảo đảm, cho nên người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Tỉnh Nam Định chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng cách chủ động cung cấp thông tin về đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, địa bàn, lĩnh vực đầu tư. Tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến đầu tư cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Kenny Tang, Giám đốc Công ty TNHH Santa Clara (Hồng Công, Trung Quốc), sản xuất các sản phẩm may mặc chất lượng cao đóng tại xã Yên Bình, huyện Ý Yên nhìn nhận: Các cấp chính quyền địa phương tại Nam Định đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục đầu tư, do đó chỉ trong khoảng một năm, doanh nghiệp đã hoàn thiện toàn bộ hệ thống nhà xưởng, lắp đặt thiết bị máy móc và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Hạ tầng giao thông, mạng lưới điện phục vụ sản xuất, tình hình an ninh trật tự bảo đảm đã giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đạt hiệu quả kinh doanh.
Trong thời gian tới, để là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đầu tư, đất đai, tạo điều kiện hoàn tất các thủ tục cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước bảo đảm tính đồng bộ, kết nối phục vụ cho hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư nước ngoài.
PV
TAG: