Năm 2018: Lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho khoảng 5.894 lao động
(LĐXH)-Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc, có sự đa dạng của khí hậu, là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại loại sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Trong năm qua, Sơn La tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; áp dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ và quyết liệt các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn từ nông nghiệp được duy trì và tiếp tục nhân rộng là địa chỉ tin cậy cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo số liệu của UBND tỉnh Sơn La, địa phương có tiềm năng và thế mạnh về các loại cây ăn quả với tổng diện tích là 77.100 ha. Trong đó: Nhãn 14.721 ha, xoài 11.617 ha, mận 8.453 ha, chuối 3.963 ha, thanh long 95ha, cam 1.416 ha, bưởi 1.718 ha, bơ 1.024 ha, chanh leo 1.657 ha… Ngoài ra, địa phương còn có nhiều loại cây lấy sản phẩm chủ yếu cho công nghiệp chế biến như: chè, cà phê, cao su với 28.247 ha.... Nhìn chung, với sự đa dạng về sinh thái đặc thù của từng vùng của địa phương là điều kiện thuận lợi cho việc trồng nhiều loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như: các loại rau, hoa ở những vùng cao nguyên có ưu thế tại Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La; cây ăn quả ôn đới tại Mộc Châu, Vân Hồ; cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cây chè phát triển thành các vùng hàng hóa tập trung như Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, thành phố Sơn La... Đồng thời, cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước lạnh (cá tầm, cá hồi,…) tập trung ở Quỳnh Nhai, Mường La. Về tiềm năng phát triển tiểu thủ công nghiệp có một số sản phẩm đặc thù như dệt thổ cẩm, chè, rượu đặc sản, mật ong… Sơn La cũng có nguồn tài nguyên về du lịch độc đáo như: du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Nhà máy thủy điện Sơn La, khu di tích lịch sử nhà tù Sơn La, đền nàng Han Quỳnh Nhai…
Là tỉnh nông nghiệp, Sơn La đã sớm nhận diện con đường đúng đắn và hiệu quả nhất để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn, tập trung lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, sản xuất theo hướng sạch, an toàn sinh học, đạt chuẩn GAP… thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, địa phương đã và đang tổ chức 157 danh mục dự án theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, góp phần hình thành và phát triển nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng cho mỗi địa phương.
Từ nhu cầu của thực tế cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững thì cần chú trọng tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Cũng theo UBND tỉnh Sơn La, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương, đội ngũ cán bộ cơ sở và nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh. Có sự phân công hợp lý và huy động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, nhân dân tham gia vào thực hiện chương trình. Sản xuất phát triển với nhiều phương thức, hình thức và mô hình sản xuất, liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.
Tập trung giám sát và kiểm soát bệnh dịch hiệu quả, chủ động phòng chống dịch bệnh vật nuôi. Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhìn chung phát triển ổn định, ước tính đàn trâu hiện có 141.651 con, đàn bò thịt 279.805 con, đàn lợn 612.655 con, đàn gia cầm 6.538 nghìn con...
Chỉ đạo các huyện, thành phố, các Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý các khu rừng đặc dụng thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô; thường xuyên tuyền truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản. Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế. Năm 2018 trồng rừng tập trung được 1.899 ha, diện tích rừng hiện có khoảng 621.434 ha.
Quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản trên các thủy vực và tiếp tục triển khai các dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản tại các hồ chứa đặc biệt là vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La. Năm 2018 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.680 ha, tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 7.637 tấn.
Tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động nâng cao trình độ, kiến thức về khoa học kỹ thuật cho người lao động phục vụ cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Thực hiện giải quyết việc làm gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm qua từng năm, đến năm 2018 chỉ còn 25,44%, đã có tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội. Năm 2018 lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho khoảng 5.894 lao động. Đến hết năm 2018 tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với 26 xã đạt 19/19 tiêu chí; 9 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 43 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 110 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí; mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng/người/năm./.
Mỹ Hạnh
TAG: