Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Một số vướng mắc trong triển khai thực hiện các nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công ở Nam Định
10:25 AM 09/12/2024
(LĐXH)- Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song, việc triển khai một số qui định tại các nghị định này vẫn còn một số vướng mắc, bất cập cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định, trong quá trình triển khai thực hiện các điều khoản quy định chi tiết các nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công, Sở nhận thấy có một số vướng mắc, bất cập sau:
-Theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 28 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định: “Trường hợp không xác định được người ủy quyền thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo Mẫu số 55 Phụ lục I Nghị định này đối với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng. Nếu không xác định được xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng thì giao cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh để thực hiện nghi thức dâng hương liệt sĩ theo phong tục địa phương”.
Việc quy định như trên, trường hợp không xác định được người ủy quyền thì hiểu như thế nào? Trường hợp trong gia đình có mâu thuẫn, không thống nhất được người ủy quyền đảm nhận thờ cũng liệt sĩ thì có được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nhận chế độ thờ cúng liệt sĩ hay không? Khoản tiền trợ cấp thờ cúng và quà Lễ, Tết hàng năm thì sử dụng như thế nào?

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định trao tặng kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa

cho gia đình thương binh Nguyễn Văn Tác, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định

-Điều 145 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định thủ tục xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và Điều 147 quy định thủ tục giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin: Trong thủ tục đề nghị phải có Giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hi sinh mẫu 44. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đối với liệt sĩ chống Pháp còn gặp khó khăn như: Cơ quan, đơn vị quân đội hoặc cơ quan, đơn vị quản lý người hi sinh trước khi hi sinh không còn lưu giữ được thông tin về liệt sĩ nên không có căn cứ để cấp Giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hi sinh theo Mẫu 44 Nghị định 131/2021, từ đó không thể thực hiện quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
-Tại khoản 1, khoản 2 Điều 155 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sĩ là thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ: Thực tế có nhiều trường hợp người thờ cúng liệt sĩ không phải là thân nhân chủ yếu nay đã tuổi cao, không trực tiếp đi thăm viếng hoặc di chuyển hài cốt được nay uỷ quyền cho người khác đi thực hiện việc thăm viếng hoặc di chuyển hài cốt nhưng lại không được hỗ trợ việc thanh toán.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã có văn bản trao đổi với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 130 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP (Cơ quan, đơn vị nào cấp giấy tờ thì cơ quan đó có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thông tin). Tuy nhiên, có một số cơ quan, đơn vị có văn bản trao đổi: Hiện nay không quản lý, lưu trữ được hồ sơ, tài liệu liên quan đến trường hợp cần sửa đổi thông tin nên không có cơ sở để xem xét sửa đổi thông tin và đề nghị Sở căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 130 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP để xem xét, giải quyết.
Nghiên cứu điểm c khoản 2 Điều 130 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định: “Trường hợp không xác định được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thông tin thì cơ quan, đơn vị quản lý hồ sơ chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung thông tin trong quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi”. Như vậy, điểm c khoản 2 Điều 130 chỉ quy định trong trường hợp không xác định được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thông tin như đơn vị đã giải thể, con dấu không rõ đơn vị cấp giấy tờ, cơ quan đã sáp nhập, chia tách không rõ đơn vị... thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hồ sơ mới thực hiện sửa đổi, bổ sung trong quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi. Trong khi đó, ở hồ sơ người có công (chủ yếu là hồ sơ thương, bệnh binh do cơ quan quân đội xác nhận, chuyển về từ những năm 1980 trở về trước) không có quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi nên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không có cơ sở để sửa đổi thông tin theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 130 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP? Đồng thời, các trường hợp đề nghị sửa đổi bổ sung thông tin trong hồ sơ này đều xác định được cơ quan, đơn vị cấp giấy tờ, đến nay các cơ quan, đơn vị có đề nghị như trên thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hồ sơ có được sửa đổi thông tin cá nhân trong hồ sơ theo đề nghị của đối tượng người có công hay không?
Mỹ Linh

 

TAG: thực hiện nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công
Tin khác
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’