Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Một số định hướng giải quyết việc làm cho lao động nữ ở Quảng Trị
03:48 PM 02/10/2019
(LĐXH)-Theo báo cáo của Sở Lao động – TBXH Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 7.569 lao động được tạo việc làm mới, đạt 72% kế hoạch năm (trong đó có 3.568 lao động làm việc trong tỉnh, 2.646 lao động làm việc ngoài tỉnh và 1.355 lao động làm việc ở nước ngoài).
Nhiều năm qua, chương trình giải quyết việc làm luôn được Quảng Trị coi là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, Quảng Trị đã quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giải quyết việc làm, thể hiện qua hệ thống các văn bản chỉ đạo và các chính sách ban hành hướng tới người lao động chưa có việc làm, trong đó có lực lượng lao động nữ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra các mục tiêu cụ thể như: Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 9.500 lao động; Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 - 70% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 28%); giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1,5 - 2,0%, giảm tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 4,0%; Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Sau khi học nghề, các lao động nông thôn ở Quảng Trị đã tìm được việc làm ngay tại địa phương​
Hiện nay, cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động ở Quảng Trị chiếm tới 55,75% cơ cấu dân số toàn tỉnh, từ năm 2013 đến năm 2018 dân số trong độ tuổi lao động tăng khoảng 23.567 người, trong đó lao động nữ tăng 10.301 người (chiếm 43,7%). Lực lượng lao động nữ chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, chiếm trên 74% so với lực lượng lao động nữ, trong đó chủ yếu tập trung ở các huyện: Hải Lăng, Vĩnh Linh, Đakrông, Hướng Hóa...
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lực lượng nữ tham gia lao động theo các nhóm tuổi cũng đều cao hơn nam giới, chênh lệch bình quân là 7%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao, ngoài tạo cơ hội cho các quốc gia gia tăng quy mô lao động, đồng thời thêm giá trị cho tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo Điều tra cung cầu lao động năm 2018 cho thấy, mặc dù lực lượng lao động nữ tỷ lệ bình quân cao hơn, nhưng thu nhập bình quân hàng tháng của phụ nữ thấp hơn nam giới ở tất cả các khu vực kinh tế. Ngay cả trong các ngành nghề chủ yếu tuyển dụng phụ nữ, công việc xã hội và bán hàng, phụ nữ vẫn chịu mức lương thấp hơn các đồng nghiệp nam. Trung bình, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam giới 10,7% nhưng sự chênh lệch này càng mở rộng tới nhóm trình độ cao hơn. Trong khi đó, khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cho thấy, phụ nữ thường chỉ làm những công việc thông thường trong khi các vị trí quản lý thường do nam giới đảm trách.
Ngoài ra, theo thống kê trong năm 2018, thu nhập của lao động nữ tham gia xuất khẩu lao động chưa qua đào tạo thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1%, nhưng mức chênh này lên tới 19,7% ở nhóm trình độ đại học trở lên. Theo vị trí công việc, lao động nữ dần có thu nhập thấp hơn các nam đồng nghiệp 12% ở vị trí chuyên gia, 19,4% ở vị trí chuyên môn kỹ thuật bậc cao và 15,6% ở nhóm lao động giản đơn.
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về giải quyết việc làm cho lao động nói chung, tỉnh Quảng Trị đã có một số định hướng giải quyết việc làm cho lao động nữ nói riêng, cụ thể là:
Thứ nhất, giải quyết việc làm thông qua phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang đứng trước thử thách rất lớn về tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và việc làm không có hiệu quả. Bên cạnh đó là lao động dư thừa và diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp. Do đó, vấn đề lao động, giải quyết việc làm phải được coi là vấn đề cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Trước mắt là đưa lao động nông nghiệp sang làm việc ở các ngành công nghiệp, dịch vụ - thương mại, xây dựng cơ bản (dự kiến đến cuối năm 2020, lao động lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn 43%). Đây là hướng chủ đạo để giải quyết tình trạng thất nghiệp là giải quyết tình trạng bán thất nghiệp bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các ngành.
Thứ hai, giải quyết việc làm thông qua vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Xuất khẩu lao động được xác định là một trong những giải pháp tích cực góp phần quan trọng giải bài toán việc làm cho người lao động. Song hàng năm số lao động trên địa bàn toàn tỉnh đi làm việc tại nước ngoài chưa nhiều do một phần thiếu thông tin về thị trường lao động cũng như nhận thức về công tác xuất khẩu lao động chưa đầy đủ... Chính vì vậy, các cấp chính quyền địa phương làm tốt công tác truyền thông, tư vấn sẽ giúp người lao động hiểu rõ hơn mục đích, lợi ích khi tham gia xuất khẩu lao động để tạo việc làm, tăng thu nhập. Cùng với đó là phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt chương trình tín dụng về xuất khẩu lao động, hướng dẫn các thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được vay vốn khi tham gia xuất khẩu lao động.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm; hợp lý hóa phân bố nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2019 – 2020, Quảng Trị đang tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực, thu hút các dự án, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế trọng điểm của tỉnh, gồm: Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khu kinh tế Đông nam Quảng Trị, Khu Công nghiệp nam Đông Hà, Khu Công nghiệp Quán Ngang, Khu Công nghiệp tây Bắc Hồ Xá…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật