Long An: Thực hiện quản lý nhà nước về công tác cai nghiện ma túy
(LĐXH)-Trong những năm qua, Long An đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống ma túy; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân nắm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ma túy và tác hại do ma túy gây ra; y; phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm về ma túy; thực hiện quản lý, giáo dục, cải tạo người nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy và tại gia đình và cộng đồng dân cư, phấn đấu kiềm chế phát sinh người nghiện mới và làm giảm địa bàn có người nghiện, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Thực hiện quản lý Nhà nước về công tác cai nghiện ma túy, HĐND tỉnh Long An đã ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về việc quy định một số nội dung chi và mức chi thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Long An.
Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1269/KH-UBND ngày 26/4/2022 về việc thực hiện triển khai công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 2136/KH-UBND ngày 26/7/2023 về thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2023 -2025; Quyết định số 40/2023/QĐ-UBND ngày 18/8/2023 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố và Cơ sở cai nghiện ma túy đã triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy ở các địa phương.
Cụ thể, Sở đã trực tiếp ban hành 65 văn bản triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Tổ chức 15 buổi tập huấn triển khai Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, công tác xã hội với người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán trở về với 741 cho cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy Long An và cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai cấp huyện, xã tham dự.
Sở cũng tích cực phối hợp với Sở Y tế và Công an tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp số 1280/LĐTBXH-YT ngày 28/6/2017 giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Y tế về phối hợp khám và điều trị bệnh cho đối tượng tại Cơ sở cai nghiện ma túy; Quy chế số 269/LĐTBXH-YT-CA ngày 21/11/2022 về việc phối hơp thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thực hiện 2 quý chế này, đến nay, Sở Lao động - TBXH phối hợp với Sở Y tế đã tổ chức tập huấn xác định trình trạng nghiện ma túy bao phủ đến cấp xã. Hiện trên địa bàn tỉnh Long An có 117 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, 117 bác sỹ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện; trong đó, có 09 cơ sở xác định được tình trạng nghiện ma túy cả nhóm Amphetamine và nhóm Opiats, còn lại 108 cơ sở chỉ xác định được tình trạng nghiện ma túy nhóm Opiats; chưa tập huấn về điều trị nghiện ma túy cho tuyến huyện, xã.
Theo số liệu thống kê, tại Long An, tổng số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý là 2.863 người (trong đó, có 2.001 người nghiện và 862 người sử dụng), trong đó, có 2.815 nam, 48 nữ. Về độ tuổi, có 149 người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi 149 người (chiếm 5,2%); 1.865 người từ đủ 18 đến dưới 30 tuổi (chiếm 65,1%); 849 người từ đủ 30 tuổi trở lên (chiếm 29,7). Trong số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có 963 người có việc làm, 1.900 người không có việc làm; 463 người thuộc thành phần công nhân, 1.360 thuộc thành phần nông dân và 1.040 người thuộc các thành phần khác.
Để giúp người nghiện từ bỏ ma túy, tỉnh Long An đã thực hiện đa dạng các hình thức cai nghiện. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Long An, năm 2023, Cơ sở đã cai nghiện cho 915 học viên cai nghiện theo diện bắt buộc. Trong tổng số 915 học viên cai nghiện bắt buộc thì có 187 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy Long An được đưa về các địa phương tại nơi cư trú.
Trên cơ sở hồ sơ và trường hợp được bàn giao, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phân công quản lý người sau cai nghiện tại địa phương. Đồng thời, có kế hoạch quản lý người sau cai nghiện để động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện học nghề, giới thiệu việc làm ổn định cuộc sống. Năm 2023, những người nghiện đã được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số tiền 310 triệu đồng.
Được biết, hiện nay, 188/188 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Long An đã thành lập tổ công tác cai nghiện, tổ chức tư vấn cho người nghiện ma túy tại cộng đồng; có một điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng.
Về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, hiện nay Long An không có cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý mà chỉ có 04 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone do ngành Y tế quản lý, mỗi cơ sở đảm bảo điều trị cho khoảng 150 người, với 05 cán bộ y tế/01 cơ sở.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác cai nghiện nhưng hiện tại công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện, do cơ sở vật chất tại địa phương chưa đảm bảo cho cắt cơn theo quy định.
Công tác tạo việc làm cho người sau cai nghiện còn rất nhiều khó khăn, do chưa có chính sách hỗ trợ của nhà nước, xã hội còn nhiều thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma tuý. Công tác phối hợp quản lý giáo dục đối tượng sau cai nghiện tại địa phương hiệu quả chưa cao.
Hiện nay, UBND tỉnh ban hành nhiều chế độ trợ cấp, phụ cấp cho cán bộ Cơ sở cai nghiện như: trợ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp ca trực. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ mạnh để thu hút cán bộ có chuyên môn vào làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy Long An, đặc biệt cán bộ y tế. Để góp phần thúc đẩy công tác cai nghiện đạt hiệu quả cao hơn nữa, tỉnh Long An đề xuất nghiên cứu thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ rủi ro nghề nghiệp đối với cán bộ viên chức nhằm khuyến khích và thu hút đội ngũ cán bộ làm việc công tác gắn bó lâu dài ở các Cơ sở vì hầu hết các Cơ sở cai nghiện trên toàn quốc đóng ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, mang tính đặc thù, làm việc như lực lượng vũ trang (trực 24/24 giờ) nhưng các chế độ chính sách lại hưởng như hành chính sự nghiệp nên rất khó tuyển dụng người vào làm việc. Trong khi đó, các cán bộ viên chức hầu như phải làm việc tiếp xúc trực tiếp, thực hiện nhiệm vụ quản lý, tư vấn, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe,… cho những học viên bị nhiễm bệnh HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiểm khác. Tỉnh cũng đề nghị được hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện tốt hơn việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng./.
Minh Hạnh