Lào cai: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3%-5%/năm
(LĐXH) – Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% - 5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên…
Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, ngành, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lào Cai giảm nhanh, đời sống của người dân ngày càng được bảo đảm. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,22%/năm, đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2%, tương ứng 14.322 hộ (tỷ lệ giảm nghèo vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (Mục tiêu giảm nghèo từ 3% - 4%/năm). Hộ cận nghèo giảm còn 16.370 hộ, chiếm 9,37%. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) bình quân giảm 8,6%/năm (vượt xa mục tiêu Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ là giảm 4%/năm).
Nối tiếp những thành tựu trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% - 5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên; Giảm hộ cận nghèo hằng năm từ 2.000 hộ trở lên; Đến năm 2024, huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai cơ bản không còn hộ nghèo. Bên cạnh đó, phấn đấu trên 60% số xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới và 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các Sở, ban, ngành và các địa phương cần thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, như: Cần nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo; Tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Tổ chức các phong trào thi đua giảm nghèo. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác cán bộ cho giảm nghèo và thực hiện hiệu quả các dự án thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, các đề án trọng tâm của Tỉnh ủy giai đoạn 2020 - 2025 nhằm góp phần giảm nghèo bền vững.
Đề án cũng đề ra nhóm các giải pháp, trong đó yêu cầu các Sở, ban, ngành và các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo; phân công đảng viên ở chi bộ thôn, bản, tổ dân phố giúp đỡ hộ nghèo. Đưa chỉ tiêu kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững vào tiêu chí đánh giá cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hằng năm.Tổ chức tốt các cuộc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo để đề ra các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước chủ động phấn đấu thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên
Bên cạnh đó, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư giảm nghèo. Sử dụng kịp thời, có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ưu tiên bố trí nguồn vốn theo kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm cho các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ giảm nghèo. Tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước phục vụ công tác giảm nghèo. Tiếp tục vận động sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ các địa phương và nhân dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Tăng cường nhân lực và nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội ở cơ sở, đặc biệt quan tâm đối với các xã vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới an sinh xã hội để giúp đỡ đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội. Thực hiện đúng, kịp thời các chính sách hiện hành để đảm bảo cho người nghèo được hưởng đầy đủ các ưu đãi về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các chính sách mới được ban hành. Phát động mạnh mẽ phong trào đóng góp vào "Quỹ vì người nghèo" và huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa đến mọi tổ chức kinh tế, xã hội, các tầng lớp dân cư, nhằm huy động nguồn lực chia sẻ trách nhiệm cộng đồng để hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ sửa chữa, làm nhà mới.
Tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ tái nghèo; theo đó, các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là hộ nghèo; thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chú trọng công tác khuyến nông - lâm - ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo dễ tiếp cận và tham gia. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện, gắn với sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giảm nghèo của tỉnh./.
Hưng Minh
TAG: