Lào Cai: Ở huyện này, dân đi làm thuê mang về 300 tỷ mỗi năm
Lao động nông thôn đi xuất khẩu lao động là xu thế tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, tại Lào Cai, xu thế này diễn ra bất thường, khi phần lớn lao động đi nước ngoài bằng con đường 'không chính ngạch', điều này trước mắt giải quyết được việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động, nhưng những hệ lụy, rủi ro luôn rình rập...
Tìm đến những hộ có người thường xuyên rời địa phương đi ra nước ngoài làm ăn, chúng tôi gặp vợ chồng anh Sùng Seo Sáng và chị Chấu Thị Mể, thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) vừa trở về từ Trung Quốc sau 8 tháng xa nhà. Chị Mể cho biết: Vợ chồng tôi đi làm được 3 năm rồi. Tôi thấy hầu hết người Việt mình sang Trung Quốc làm những công việc đơn giản như phát nương, đào hố trồng cây, chăm sóc chuối, phun thuốc trừ cỏ, gùi hàng, lấy mủ cao su, làm gỗ ép, làm phụ hồ… những công việc không đòi hỏi cao về tay nghề và kỹ thuật...
Thậm chí, theo chị Mế, phần lớn công việc người lao động đã làm quen tại nhà, nên khi đi sang đó không cần phải học việc mà có thể bắt tay làm ngay. Qua lời của chị Mể và gặp gỡ với một số người lao động thường xuyên đi làm thuê bên Trung Quốc, chúng tôi phần nào lý giải lý do tại sao số lao động rời địa phương đi làm thuê chủ yếu là nông dân.
Bởi, những công việc chủ yếu là làm nông nghiệp đơn thuần, chỉ cần có sức khỏe, không cần trình độ, thậm chí không cần biết tiếng cũng có thể được nhận vào làm. Nhu cầu về lao động phổ thông ở phía bên kia biên giới là rất lớn, người Việt sang bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng.
Sức hút “tiền tươi”
Nhưng nếu lý do chỉ vì công việc đơn giản, phù hợp với lao động nông thôn liệu đã đủ sức hấp dẫn để người lao động sẵn sàng liều mình vượt biên đi lao động? Ngồi trong căn nhà cấp 4 mới xây kiên cố, anh Sùng Seo Sáng và chị Chấu Thị Mể thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) không giấu niềm vui mừng khoe với chúng tôi: “Chỉ 3 năm sang Trung Quốc làm thuê, vợ chồng tôi đã có tiền xây được ngôi nhà này. Nếu ở quê trồng ngô, làm ruộng thì hết đời chúng tôi cũng không xây được nhà”.
Anh Sáng không ngại ngần tiết lộ thêm, người lao động ở xã Hoàng Thu Phố thích sang bên kia biên giới làm thuê vì chủ sử dụng lao động trả lương theo ngày, làm ngày nào trả ngày đó. Nếu người lao động không giữ được tiền có thể nhờ chủ giữ hộ, đến khi nào về thì lấy một lần. Tiền công lao động thì tùy theo từng công việc, nhưng tính sang tiền Việt Nam thì trung bình từ 350 đến 700 nghìn đồng/người/ngày (không nuôi cơm).
Tìm hiểu đến đây chúng tôi mới vỡ lẽ, sức hút “tiền tươi” là lý do chính hấp dẫn người lao động đi làm thuê bên kia biên giới. Đúng là nếu tìm kiếm việc làm trên địa bàn tỉnh Lào Cai và những tỉnh lân cận không ở đâu tuyển lao động phổ thông với số lượng lớn mà trả mức lương hấp dẫn như vậy. Người đi trước về rủ người đi sau, có khi đi cả gia đình, có nơi cả thôn rủ nhau cùng đi để tìm kiếm giấc mơ đổi đời. Thực tế đã có những gia đình xây được nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt từ tiền đi làm thuê.
Lợi thì có lợi…
Đơn cử tại xã nghèo Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), trong 3 năm trở lại đây, vì người dân ra nước ngoài làm việc mà nay trên địa bàn xã đã có gần 100 ngôi nhà xây kiên cố, khang trang, giúp cho nhiều hộ không còn phải sống trong những ngôi nhà xiêu vẹo, dột nát.
Ông Giàng Seo Vênh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: “Hơn 90% trong tổng số nhà xây kiên cố trên địa bàn xã là của những người thường xuyên rời địa phương đi làm thuê. Mỗi năm, xã Hoàng Thu Phố có từ 300 đến 350 lao động rời địa phương đi ra nước ngoài tìm kiếm việc làm.
Theo ông Vênh, thông thường, họ đi từ đầu năm đến cuối năm mới về nhà một lần. Có một số trường hợp đi vài năm chưa về, nhưng vẫn thường xuyên gửi tiền về cho người thân. Hầu hết người lao động của xã đi làm thuê bên nước bạn Trung Quốc qua đường tiểu ngạch...
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Tại thời điểm này, huyện Bắc Hà có 2.461 lao động ở nông thôn đã rời địa phương đi ra nước ngoài tìm kiếm việc làm. Hầu hết trong số đó sang Trung Quốc làm các công việc phổ thông.
"Ước tính, tổng số tiền người lao động ra nước ngoài làm thuê đem về trong năm 2017 là trên 300 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2018 khoảng 150 tỷ đồng, góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 7% đến 9%/năm. Khi có tiền, người dân xây nhà, đóng góp xây dựng đường làng ngõ xóm trở nên khang trang, sạch, đẹp hơn…”, ông Kim cho biết.
Theo ông Trần Văn Kim, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà, tình trạng lao động rời địa phương ra nước ngoài làm thuê có mặt tích cực là giải quyết công việc lúc nông nhàn và đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình.
Tìm hiểu tại địa bàn huyện Si Ma Cai, chúng tôi được ông Giàng Sín Chớ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, số lao động rời nông thôn Si Ma Cai đi ra nước ngoài tìm kiếm việc làm có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tùy từng thời điểm, số người ra ngoài làm ăn dao động từ 1.400 đến 2.600 người.
“Mặt tích cực có thể nhận thấy ngay của vấn đề này là trong 3 năm trở lại đây, số lượng nhà dân xây kiên cố trên địa bàn huyện Si Ma Cai tăng cao, với khoảng 2.500 nhà. Qua rà soát sơ bộ chúng tôi thấy, trên 70% trong tổng số nhà mới xây trên có chủ hoặc người thân trong gia đình thường xuyên rời địa phương đi nước ngoài lao động, chủ yếu là sang Trung Quốc làm thuê…” - ông Chớ cho biết.
Người xưa đúc kết: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Nay lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh “tích cực” rời địa bàn ra nước ngoài “học khôn” và còn mang được cả tiền về để xây nhà thì còn gì vui hơn! Liệu phía sau những cái lợi trước mắt đó còn ẩn giấu rủi ro hay hệ lụy gì?
PV
TAG: