Lâm Đồng: Thực hiện đa dạng các giải pháp ngăn chặn tệ nạn mại dâm
(LĐXH)-Là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có địa giới hành chính rộng, dân số của tỉnh sống tại thành thị chiếm 39,27%, dân số sống tại nông thôn chiếm 60,73%; dân tộc thiểu số chiếm 25,7% dân số của toàn tỉnh. Tỉnh có ngành nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại phát triển, thu hút số lượng lớn lao động từ các địa phương khác đến làm ăn sinh sống, đặc biệt di dân tự do và lực lượng lao động theo thời vụ. Với đặc thù như vậy, Lâm Đồng cũng không thể tránh được những thách thức về việc phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm.
Tại Lâm Đồng, các cơ sở dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 2.585 cơ sở lưu trú; 261 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage; 595 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội (305 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; 184 cơ sở karaoke, massage, bar và 106 loại hình khác).
Người bán dâm chủ yếu là một số tiếp viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc sử dụng môi trường internet, mạng xã hội để hoạt động, chào mời, thỏa thuận việc mua bán dâm. Một số vụ việc có sự tham gia của đối tượng môi giới mại dâm, chứa mại dâm với vai trò là người trung gian trong việc giới thiệu người bán dâm, thỏa thuận giá cả, thời gian, địa điểm, hoạt động. Lâm Đồng có khoảng 400 người bán dâm; khoảng 800 nhân viên nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (massage, karaoke, bar), đa số là người ngoài tỉnh.
Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng, Ủy ban nhân dân các cấp từ tỉnh đến huyện, xã đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề; xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp các địa phương tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy, mại dâm; công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho 451 đại biểu là lãnh đạo phụ trách lĩnh vực Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; công chức phụ trách lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Phối hợp với Tỉnh đoàn Lâm Đồng, Đoàn khối các cơ quan tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống tệ nạn xã hội cho 203 đại biểu là cán bộ đoàn chuyên trách cấp huyện; Bí thư, Phó Bí thư Đoàn các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, thành viên các Câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm kỹ năng; Bí thư, Phó Bí thư Liên Chi đoàn, Đoàn cơ sở trong các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập huấn phổ biến các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tệ nạn xã hội trong công tác tuyên truyền, tiếp cận, tư vấn, vận động, hỗ trợ đối người bán dâm, người nghiện ma túy và nạn nhân bị mua bán trở về.
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Sở đã in, phát 20.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh; sữa chữa 02 cụm pano tuyên truyền cổ động trực quan về phòng, chống tệ nạn xã hội tại huyện Cát Tiên.
Sở cũng chú trọng công tác kiểm tra đột xuất, rà soát, khảo sát nắm tình hình về tệ nạn mại dâm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm kết hợp với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, tệ nạn mại dâm nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Từ đầu năm đến nay, Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tổ chức kiểm tra 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 06 cơ sở vi phạm hành chính, số tiền 69 triệu đồng; đình chỉ, ngưng hoạt động 01 cơ sở massage, đình chỉ hoạt động 03 cơ sở karaoke và yêu cầu 01 cơ sở kinh doanh vũ trường tạm ngưng hoạt động đến khi có đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chuyển 01 vụ việc đến Công an thành phố Đà Lạt đề nghị xử lý 01 liên quan đến TNXH. Yêu cầu tất cả các cơ sở được kiểm tra hoàn thiện hồ sơ, khắc phục các điều kiện kinh doanh, cam kết không để xảy ra hoạt động mại dâm, chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng không ngừng nâng cao vai trò của Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện Đạ Hoai, Đức Trọng, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn; 36 Đội công tác xã hội tình nguyện đã tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho khoảng 200 lượt người; tiếp cận, tư vấn, vận động cho 20 người nghiện ma túy, người bán dâm, người bị nhiễm HIV tại cộng đồng. Phát 1.000 tài liệu, tờ rơi, sách mỏng về công tác dự phòng và cai nghiện ma túy, phòng ngừa mại dâm và mua bán người.
Công tác xây dựng mô hình tại cộng đồng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm trong phòng, chống HIV/AIDS và tái hòa nhập cộng đồng được quan tâm. Hoạt động của các đội tình nguyện, câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội được lồng ghép song song với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, "Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội", “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hoạt động câu lạc bộ đã giúp cho ban chỉ đạo cấp xã, phường tổ chức tuyên truyền, quản lý giúp đỡ người bán dâm và người có nguy cơ cao hoạt động mại dâm trong sinh hoạt định kỳ, nâng cao nhận thức phòng chống mại dâm, tư vấn, hỗ trợ khó khăn, dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng.
Theo đánh giá, tình hình mại dâm ở Lâm Đồng không quá phức tạp so với các tỉnh thành khác. Tình hình mại dâm công cộng cơ bản được kiểm soát, chưa phát hiện mại dâm nam, mại dâm đồng giới, mại dâm tuổi vị thành niên, mại dâm có yếu tố nước ngoài. Hy vọng rằng, với nhiều giải pháp đồng bộ sẽ được triển khai trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ từng bước phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm, tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh./.
Minh Hòa
TAG:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng
công tác phòng chống mại dâm ở Lâm Đồng
Lâm Đồng thực hiện đa dạng các giải pháp ngăn chặn tệ nạn mại dâm