Lâm Đồng phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm
(LĐXH)-Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng luôn xác định được tầm quan trọng của hoạt động tín dụng chính sách xã hội, vì vậy đã tạo mọi điều kiện cho Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã ban hành Văn bản số 3798/NHCS-TDSV ngày 21/11/2015 về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Ngoài nguồn vốn của Trung ương, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 79/2018/NQ-HĐND ngày 11/07/2018 quy định các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; trên cơ sở đó đã tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 04/01/2018 về quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cùng với đó, tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai cho vay tín dụng ưu đãi tạo việc làm thông qua việc cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để triển khai chính sách này, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng đã triển khai và cụ thể hóa thực hiện các văn bản như: Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Quyết định số 63/2015/QĐ-Ttg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; Quyết định số 27/2019/QĐ-Ttg ngày 09//9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020; Văn bản 7886/NHCS-TDNN ngày 24/10/2019 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ cho vay là người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất với mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài được ghi trong hợp đồng, lãi suất 0,05%/tháng.
Ngoài vốn của Trung ương cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng còn cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương theo Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 04/01/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 02/4/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc bổ sung một số điều của Quy chế quản lý và sử dụng vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, mở rộng đối tượng cho vay theo đặc thù của địa phương, trong đó có đối tượng người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được bên tuyển dụng tiếp nhận chính thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ việc xây dựng và trình ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm hằng năm. Chi nhánh đã bám sát định hướng của ngành, định hướng của tỉnh, gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng mục tiêu quốc gia nông thôn mới; phối hợp với các sở ngành, cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh và UBND cấp huyện chuyển nguồn vốn từ nguồn tăng thu giảm tiết kiệm của ngân sách địa phương hằng năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ hỗ nghèo, giải quyết việc làm và các đối tượng chính sách. Đồng thời chỉ đạo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ tín dụng được phân công theo dõi địa bàn xã tham mưu cho UBND cấp xã xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách chi tiết đến từng thôn, đảm bảo phản ánh nhu cầu thực tế về vốn tín dụng của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thành phố phối hợp với các phòng, ban liên quan xây dựng kế hoạch tín dụng chính sách trình Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt, trong đó có xây dựng chỉ tiêu kế hoạch cho vay hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Riêng đối với chương trình cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Chi nhánh cho vay theo nhu cầu thực tế phát sinh, người lao động phải đủ điều kiện vay vốn, đủ hồ sơ thủ tục, ngân hàng phê duyệt cho vay.
Với việc triển khai tích cực cho vay vốn ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trong 5 năm qua từ 2016 - 30/6/2021, tại Lâm Đồng, doanh số cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt là 134.383 triệu đồng. Nguồn vốn này đã giải ngân cho 4.216 dự án, giúp giải quyết việc làm cho 8.516 lao động, trong đó: có 4.021 lao động nữ được tạo việc làm, 96 lao động là người khuyết tật, 1.040 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 74.077 triệu đồng/2.171 khách hàng. Doanh số cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương là 182.827 triệu đồng. Nguồn vốn này đã giải ngân cho 4.710 dự án, giúp giải quyết việc làm cho 9.608 lao động, trong đó: có 5.232 là lao động nữ được tạo việc làm, 15 lao động là người khuyết tật, 1.925 lao động là người đồng bào dân thiểu số. Tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 149.589 triệu đồng/3.890 khách hàng. Doanh số cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là 182.583 triệu đồng. Nguồn vốn này đã giải ngân cho 3.837 dự án, giúp giải quyết việc làm cho 8.058 lao động, trong đó: có 4.671 là lao động nữ được tạo việc làm, 25 lao động là người khuyết tật, 1.255 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2021 là 163.399 triệu đồng/3.490 khách hàng.
Bên cạnh đó, nhằm tạo việc làm, giúp người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập, tiếp cận với công nghệ, trình độ tay nghề, kỹ thuật tiến bộ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Doanh số cho vay từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm là 2.485 triệu đồng, giúp 49 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó: có 22 lao động nữ, 7 lao động là hộ nghèo, 17 lao động là hộ cận nghèo, 15 lao động là người dân tộc thiểu số, 10 lao động là thân nhân người có công với cách mạng. Những quốc gia mà người lao động đi làm việc gồm: 40 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản, 09 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại Đài Loan. Đồng thời, nguồn vốn ngân sách địa phương cũng cho vay 7.899 triệu đđồn, giúp 148 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó: có 63 lao động nữ, 148 lao động có hộ khẩu thường trú tại Lâm Đồng. Những quốc gia mà người lao động đi làm việc theo hợp đồng gồm: 132 lao động làm việc tại Nhật Bản, 02 lao động làm việc tại Hàn Quốc, 14 lao động làm việc tại Đài Loan.
Có thể nó, trong 5 năm qua (2016-30/6/2021), việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có chương trình cho vay tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, người lao động, đối tượng chính sách khác, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; làm quen với các dịch vụ ngân hàng, tài chính, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Mỹ Hạnh
TAG: